Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên
- Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phối hợp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
- Hành lang, nhà kho bệnh viện kín đặc bệnh nhân vì sốt xuất huyết
- 14 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
Tham dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện lãnh đạo Cục, Vụ, Viện, Bệnh viện, Trung tâm thuộc Bộ Y tế; Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 7 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 7.411 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó đã có 4 trường hợp tử vong. Hiện dịch đã xảy ra ở 393/563 xã, phường, thị trấn và tại 48/50 huyện của 4 tỉnh Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tỉnh có số ca mắc cao nhất là Gia Lai với 3.081 ca (chiếm 41,6%), Đắk Lắk 1.865 ca (chiếm 25,9%), Kom Tum 1.387 ca (chiếm 18,7 %) và Đắk Nông 1.079 ca (chiếm 14,6%). Độ tuổi mắc SXH tại Khu vực Tây Nguyên chiếm đa số là người lớn (chiếm 74,6%).
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác khảo sát tại địa bàn xảy ra dịch bệnh SXH. |
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng mạnh trong thời gian qua là do dịch SXH thường có tính chất chu kỳ, cứ khoảng 3-5 năm lại có đợt bùng phát mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh cũng như bênh SXH phát triển.
Trong năm 2016, hiện tượng El nino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường là điều kiện cho muỗi phát sinh phát triển. Thời tiết hạn hán dẫn đến người dân tăng tích trữ nước sạch tại các dụng cụ chứa nước phục vụ sinh hoạt, đời sống đã tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển.
Phó Thủ tướng đến thăm hỏi bệnh nhân và đội ngũ y bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột. |
Ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không thực hiện việc diệt muỗi, diệt lăng quăng; mạng lưới y tế còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống SXH. Tại một số địa phương, chính quyền các cấp và cấc tổ chức chính trị xã hội chưa coi trọng công tác chủ động phòng chống dịch bệnh SXH.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong thời gian tới, bệnh dịch SXH dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số ca mắc do hiện Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi muỗi và bọ gậy phát triển. Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng tại địa bàn.
Sở Y tế các tỉnh cần giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi mới phát hiện; Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn; ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông cung cấp cung cấp kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch SXH cũng như tình hình dịch bệnh và các biện pháp phát hiện sớm dịch bệnh để người dân tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống dịch.
Khảo sát tại địa bàn, Phó Thủ tướng đã trực tiếp hướng dẫn cho bà con những biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Trong đó người dân cần hạn chế những lu nước, những vật dụng chứa đọng nước vì dấy là những cơ sở để dịch SXH lan truyền nhanh. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tại địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu, nắm bắt được nguyên nhân gây bệnh SXH, qua đó để có biện pháp phòng, chống một cách hiệu quả nhất.