Sẽ gửi báo cáo giám sát về các dự án BOT để các đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu

Thứ Hai, 31/07/2017, 10:23
Theo thông báo về kết quả phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới, Quốc hội đề nghị giữ nguyên thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày làm việc, trong đó lựa chọn các vấn đề cụ thể, tránh dàn trải.


Theo thông báo về kết quả phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới, Quốc hội đề nghị giữ nguyên thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày làm việc, trong đó lựa chọn các vấn đề cụ thể, tránh dàn trải; xem xét, cải tiến quy trình thu, phát phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH); tăng cường công tác báo chí để đảm bảo việc truyền tải thông tin kịp thời, trung thực, khách quan. 

Dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 23-10 và bế mạc vào ngày 22-11-2017. 

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến về 12 dự án luật. Đáng chú ý, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường cũng được đưa vào để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ này. Ngoài ra, còn một số dự án luật đáng chú ý khác như: Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 

Tại kỳ họp này, ĐBQH cũng sẽ được gửi 2 báo cáo quan trọng để tự nghiên cứu là kết quả giám sát 2 chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh”. 

Thêm vào đó, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; triển khai Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

V.H.
.
.
.