Sẽ đầu tư gần 87.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng GTVT vùng Tây Nam Bộ

Thứ Năm, 10/12/2015, 17:46
Giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ huy động khoảng 86.319 tỷ đồng để triển khai các dự án trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không vùng Tây Nam Bộ...

Chiều 10-12, tại Cần Thơ, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Nam Bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Văn Ninh dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Vùng Tây Nam bộ có vị trí địa lý thuận lợi phát triển kinh tế xã hội với 340 km đường biên giới Campuchia; 6 cửa khẩu quốc tế; có đường bờ biển dài khoảng 740 km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN; có điều kiện thuận lợi phát triển giao thương với các nước khu vực, trong đó GTVT có ý nghĩa hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ưu tiên một phần nguồn lực đáng kể đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, nhiều công trình giao thông trọng yếu được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng.

5 năm qua, tổng kinh phí Trung ương đầu tư trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ là 58.778 tỷ đồng (chưa kể các dự án đang triển khai dở dang). Đường bộ đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 52.471 tỷ đồng, với một số dự án quan trọng như: Cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường Quản  Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, mở rộng QL1 Cần Thơ - Phụng Hiệp...

Cầu Cổ Chiên được đưa vào sử dụng, nối liền Trà Vinh - Bến Tre và rút ngắn khoảng cách đến TP HCM.

Toàn vùng còn 24 công trình tiếp tục đang triển khai. Có 6 dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước với mức đầu tư 2.600 tỷ đồng; 6 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ với mức đầu tư 8.291 tỷ đồng; 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với mức đầu tư 39.375 tỷ đồng và 7 dự án đầu tư theo hình thức BOT, với mức đầu tư 22.762 tỷ đồng...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh biểu dương nỗ lực của các đơn vị, các ngành các cấp trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và vận tải vùng ĐBSCL, qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới cần phải rà soát lại quy hoạch giao thông với tầm nhìn xa hơn, đảm bảo sự đồng bộ giữa đường bộ, đường thủy, hàng không... Đối với các dự án đang triển khai phải hoàn thành càng sớm càng tốt, đưa vào sử dụng, tiết kiệm ngân sách, tránh lãnh phí.

Đặc biệt sắp tới, Việt Nam sẽ ký nhiều hiệp định thương mại, nông sản vùng ĐBSCL sẽ cạnh tranh gay gắt, do đó cần quan tâm đầu tư, phát huy tối đa lợi thế của các dự án đường thủy... Đồng thời, tập trung kiểm tra tải trọng xe lưu thông, đảm bảo an toàn, kiềm chế tai nạn giao thông.

Giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ huy động khoảng 86.319 tỷ đồng để triển khai các dự án trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không. Nhiều dự án mang tính cấp thiết như: công trình cầu Đại Ngãi (hợp phần 2), mở rộng QL91 đoạn Km0-Km7 TP Cần Thơ, tuyến N1 qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang, nâng cấp QL30, QL61B, QL57, QL91C... Đặc biệt sẽ triển khai đầu tư Dự án logistics ĐBSCL do WB tài trợ với kinh phí đầu tư khoảng 300 triệu USD và tiếp tục nghiên cứu kêu gọi vốn đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM – Mỹ Tho.

Đề nghị nâng cấp, cải tạo QL53, 54 và 60

Ông Trần Trí Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh chia sẻ tại hội nghị, tuyến quốc lộ 53,54 và 60 có quy mô, tải trọng chưa đồng bộ, năng lực khai thác các tuyến đường chưa cao. Quốc lộ 54 qua Trà Vinh rộng nhưng qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long lại quá hẹp và xuống cấp. Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra tại các tuyến quốc lộ 53 và 60. Trà Vinh kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm cải tạo, nâng cấp 3 tuyến quốc lộ trên.


Văn Vĩnh
.
.
.