Sau 3 năm, nhiều kiến nghị liên quan đến EVN vẫn bị phớt lờ

Thứ Tư, 31/08/2016, 07:51
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc thực hiện Kết luận Thanh tra năm 2013 về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của EVN.

Kết luận này đã từng gây xôn xao dư luận một thời gian khi phát hiện việc EVN xây “công trình phúc lợi” như bể bơi, sân tennis tại các dự án nguồn điện, hay mua ôtô vượt định mức. Tại báo cáo này, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã cho biết nhiều nội dung kiến nghị không được Bộ Công Thương, Tài chính, Xây dựng thực hiện, dù 3 năm đã trôi qua.

Báo cáo này cho biết: Bộ Công Thương chưa thực hiện việc chủ động rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ đối với tổ chức hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy EVN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu.

Các thông tin liên quan đến EVN vẫn luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: Tiến Hiệp

Về việc các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN như Thủy điện Đồng Nai, Thủy điện sông Tranh, Thủy điện Đại Ninh, Thủy điện Tuyên Quang có chi phí sản xuất điện năm 2011 cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khi xác định đủ yếu tố chi phí, dẫn đến TTCP đã kiến nghị phải đánh giá hiệu quả khi quyết định đầu tư các dự án này, Bộ Công Thương đã có lý giải nguyên nhân chính là do mực nước tại các hồ thấp so với mức nước thiết kế, dẫn đến sản lượng điện thấp.

Mặt khác, chi phí khấu hao và lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất điện. Cụ thể, năm 2011, Thủy điện Sông Tranh có chi phí khấu hao và lãi vay chiếm đến 94,7%, Thủy điện Đồng nai có chi phí khấu hao, lãi vay chiếm đến 93,3% giá thành. Với lý do này, Bộ Công Thương cho rằng chi phí sản xuất điện của các nhà máy này cao hơn giá bán lẻ bình quân “là phù hợp”.

Các thông tin liên quan đến EVN vẫn luôn thu hút sự chú ý của dư luận.

Bộ Công Thương cũng chưa chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực và các cá nhân có liên quan kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền trong việc không thực hiện trả lời báo cáo giải trình của EVN về giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện trong năm 2011. Bên cạnh đó, TTCP còn cho biết: Bộ Công Thương chưa chỉ đạo EVN đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ khi bàn giao Tổng Công ty Truyền tải điện và 5 Tổng Công ty Điện lực với các đối tác ngân hàng và EVN.

Chưa ban hành khung giá phát điện để phù hợp với lộ trình các cấp độ phát triển của thị trường điện; ban hành khung giá bán buôn điện phù hợp với thời điểm hình thành thị trường bán buôn điện theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng được “điểm danh” trong việc chưa thực hiện hàng loạt các kiến nghị như: chủ động rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình đối với tổ chức, hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy EVN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu; chưa tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ đối với một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu tại quyết định thanh tra; chưa đề xuất xử lý số tiền hơn 3,1 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVN năm 2010 chưa đúng ý kiến của Thủ tướng.

Đối với số tiền mua xe ôtô vượt quy định với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng (trong đó EVN là hơn 3 tỷ đồng và EVN SPC là hơn 2,2 tỷ đồng), Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất khấu hao số trong định mức vào giá điện, số vượt được hạch toán vào lợi nhuận sau thuế và được Thủ tướng đồng ý.

Đối với vấn đề đã từng gây xôn xao dư luận một thời là việc xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có bể bơi, sân tennis), Bộ Tài chính đã đề xuất chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Đối với chi phí khấu hao của nhà đơn lập, song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng và công trình nhà khác mà EVN cho các hộ gia đình cán bộ, công nhân làm việc tại nhà máy thuê sử dụng thì không được đưa vào chi phí sản xuất, kinh doanh điện. EVN phải xác định đơn giá cho thuê nhà đúng quy định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí khấu hao để thu hồi vốn đầu tư và các chi phí quản lý, bảo dưỡng các công trình này. Đồng thời, khoản này EVN hạch toán riêng.

Chi phí đầu tư cho các công trình phục vụ mục đích phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis, EVN và các đơn vị thành viên sử dụng Quỹ phúc lợi hoặc các nguồn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng (trường hợp đã sử dụng nguồn khác để đầu tư thì hạch toán điều chỉnh nguồn). EVN không được tính khấu hao tài sản các công trình phúc lợi vào giá điện.

Tuy nhiên, ở nội dung này, Bộ Tài chính chưa chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng thực hiện việc rà soát các khoản phi chí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý của ngành điện cũng như đối với nhà máy, khu công nghiệp khác, đồng thời chưa hướng dẫn việc quản lý, hạch toán chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý vận hành của các nhà máy, khu công nghiệp chung trong cả nước.

Bộ Xây dựng cũng chưa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc chủ trì nghiên cứu, ban hành định mức xây dựng, tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng nhà ở, nhà quản lý vận hành nhà máy điện cũng như các nhà máy, khu công nghiệp khác, đảm bảo tiết kiệm và phù hợp với thực tế.

Nam Phương
.
.
.