Quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với các vụ xâm hại trẻ em
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em
- Cục Cảnh sát Hình sự phá nhiều vụ án xâm hại trẻ em và buôn bán người
Việc công bố Nghị quyết số 06/2019 của TAND tối cao nhằm thông tin sâu rộng các nội dung hướng dẫn của Nghị quyết đến các Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nghiêm túc thực hiện, đồng thời giới thiệu Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân để theo dõi và giám sát.
Theo TAND tối cao, thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Bị cáo Nguyễn Trọng Trình (Chương Mỹ, Hà Nội) vừa bị tuyên án tù chung thân vì xâm hại bé gái 9 tuổi. |
Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các tội xâm phạm tình dục như làm rõ về chủ thể phạm tội, cụ thể hóa hành vi phạm tội, mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”, bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”; sửa đổi, bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này và bổ sung tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) nhằm hình sự hóa hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Nhưng thực tiễn thi hành luật hơn một năm qua cho thấy, vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng nên cần thiết phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Trên cơ sở đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 06/2019 sau một thời gian dài dự thảo, lấy ý kiến.
Nghị quyết quy định rõ về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục, đó là ngoài tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự thì cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi. Đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật hình sự và các đạo luật liên quan.
Ngoài ra, Nghị quyết còn quy định: Toà án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp với quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu, hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của bị hại.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-11-2019. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.