Quy định lực lượng vũ trang bán chuyên trách đối với Công an xã là phù hợp
- Chưa chính quy hoá lực lượng Công an xã34
- Lấy ý kiến hoàn thiện nội dung Tờ trình của dự thảo Luật Công an xã1
Trước đó, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Công an xã.
Thứ trưởng Lê Quý Vương đọc Tờ trình dự án Luật Công an xã, chiều 15-8 |
Theo đó, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu do lực lượng Công an xã đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước và là địa bàn tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến hết năm 2015, trên toàn quốc đã xảy ra 247.359 vụ phạm pháp hình sự; trong đó, ở địa bàn nông thôn xảy ra 131.734 vụ phạm pháp hình sự, trung bình mỗi năm xảy ra 26.346 vụ, chiếm 53,25% tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc. Nổi lên là các tội giết người, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán người, tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản …
“Thực tế đó đòi hỏi phải có một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn để quy định đầy đủ, toàn diện về tổ chức, hoạt động của Công an xã; cũng như chế độ, chính sách, bảo đảm các điều kiện hoạt động và những vấn đề khác có liên quan tới lực lượng Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh. Dự thảo Luật Công an xã gồm 5 chương, 47 điều; tức đã bổ sung 22 điều so với Pháp lệnh Công an xã.
Đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng của Ban soạn thảo khi viện dẫn ra rất nhiều dự án luật khác có liên quan đến lực lượng Công an xã, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật đã quy định thẩm quyền của Công an xã quá nhiều, quá phức tạp (theo quy định của Hiến pháp và 21 luật) trong khi trình độ đầu vào của lực lượng này lại thấp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp |
“Quyền hạn, thẩm quyền của Công an xã có liên quan đến Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó có những hoạt động mang tính chất điều tra ban đầu, lập biên bản liên quan đến tố tụng, rồi tuần tra kiểm soát giao thông… Quy định như vậy khiến lực lượng Công an xã chịu áp lực rất lớn để hoàn thành nhiệm vụ”, đại biểu nói. Bà cũng viện dẫn quy định về trình độ của Công an xã: “Theo Nghị định 73 của Chính phủ, trình độ học vấn của Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã chỉ cần tốt nghiệp THPT; Công an viên là tốt nghiệp THCS trở lên; ở vùng sâu, vùng xa mà không đủ người thì chỉ cần tốt nghiệp Tiểu học trở lên… Thẩm quyền lớn mà để trình độ đầu vào như thế này thì khó đảm bảo công việc”, đại biểu lưu ý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng lo ngại trách nhiệm của Công an xã rất nặng nề. “Việc lập biên bản, lấy lời khai ban đầu là cực khó, trong khi chỉ yêu cầu Công an viên tốt nghiệp Tiểu học thì liệu họ có thể hoàn thành nhiệm vụ được không”, đại biểu nêu ý kiến, đồng thời đề nghị nên có ràng buộc về trình độ và giới hạn về quyền hạn của Công an xã để không bị lạm dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp |
Trao đổi nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cân nhắc quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, từ Điều 10 đến Điều 21 dự thảo Luật. “Hoạt động của Công an xã liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp. Với tính chất là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, trình độ hạn chế, nếu quy định như vậy có thực sự đảm bảo đúng, tôn trọng quyền con người, quyền công dân hay không”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về chế độ chính sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng hơi bất cập, không đủ để thu hút lực lượng Công an xã. “Chúng tôi theo dõi, ghi nhận và trân trọng những đóng góp của lực lượng Công an xã vừa qua. Trong hàng vạn công việc họ làm có nhiều tấm gương nỗ lực, kể cả hy sinh tính mạng, sức khoẻ, đóng góp vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở…”, bà khẳng định.
Đại biểu nêu quan điểm nên chính quy hoá lực lượng Công an xã, để lực lượng này vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ, vừa tránh được những sai phạm. “Mặc dù bên soạn thảo nói vướng biên chế, vướng ngân sách, nhưng đụng đến quyền con người, quyền công dân lớn như thế này thì nên chính quy hoá”, đại biểu nói.
Nhiều ý kiến khác thảo luận về việc nên chính quy lực lượng Công an xã hay là quy định bán chuyên trách. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tiếp tục quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách là phù hợp, vì vừa đảm bảo không tăng biên chế vừa phù hợp với nguyên tắc không phân cấp cho địa phương, đặc biệt những lĩnh vực thuộc về quốc phòng, an ninh và ngoại giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết lại phiên thảo luận |
“Nếu chúng ta biên chế lực lượng này ở hơn 11.000 xã thì sẽ làm bộ máy biên chế phình ra như thế nào. Tôi tán thành việc giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ để quản lý Nhà nước về Công an xã”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, trong điều kiện chưa thể chính quy được lực lượng Công an xã thì việc xây dựng luật phải đảm bảo chế độ, chính sách cho họ hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo hoàn chỉnh dự án luật; Uỷ ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo các cơ quan hữu quan thẩm tra chính thức dự án Luật, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 sắp tới.