Phải xem xét toàn diện việc nâng tuổi nghỉ hưu
- Cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu: Cần nhưng phải có lộ trình2
- Đừng nghĩ tăng tuổi nghỉ hưu là tham quyền cố vị4
- Trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu của quân nhân chuyên nghiệp32
Với các phương án đưa ra, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ được nâng lên 62 tuổi và lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Chiều 18-1, trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho biết, LĐLĐVN chưa có ý kiến chính thức, tuy nhiên, LĐLĐVN khẳng định đây là việc nhạy cảm, do đó cần thiết phải có nghiên cứu, đánh giá toàn diện.
Xây dựng lộ trình từ năm 2021
Theo Bộ LĐ- TBXH, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi của Bộ LĐ-TBXH xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc tuổi nghỉ hưu hiện nay (nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi) đã quy định từ năm 1961, tới nay hơn 50 năm chưa điều chỉnh.
Trong khi, các nước trên thế giới đều theo xu hướng nâng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều nước tuổi nghỉ hưu hiện đã 65- 67 tuổi. Lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu có nhiều phương án.
Trong đó, phương án đưa ra tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi là từ năm 2021, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng, cho tới khi nữ đạt 60 tuổi, nam đạt 62 tuổi sẽ dừng lại. Nhưng về lâu dài có thể sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi.
Còn phương án khác nữa là mỗi năm nâng tuổi nghỉ hưu 3 tháng, cho tới khi nữ đủ 60 tuổi, nam đủ 62 tuổi. Vì nếu tăng tuổi nghỉ hưu nhanh quá có thể gây sốc cho thị trường lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Doãn Mậu Diệp, không phải lao động ở tất cả các ngành nghề đều nâng tuổi nghỉ hưu lên 60, 62 tuổi. Bộ LĐ- TBXH dự kiến có những nhóm tuổi có thể cao hơn tuổi hưu, có nhóm sẽ thấp hơn, nhưng chênh lệch không quá 5 năm. Theo đó, có nhóm có thể nghỉ hưu ở tuổi 55-57, tùy vào lĩnh vực, nghề nghiệp và sức khỏe của họ.
Nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp nhạy cảm, do đó phải được xem xét, đánh giá toàn diện. |
Phải đánh giá toàn diện
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Kinh tế, chính sách và thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình.
Ông Quang cho rằng phải có tính toán hết sức cụ thể đối với từng đối tượng, người lao động khác nhau. “Khi có ý kiến chính thức từ Tổng LĐLĐVN chúng tôi sẽ tham gia chính thức bằng văn bản với Bộ LĐ- TBXH vào Dự thảo Bộ luật Lao động. Dự thảo Bộ luật Lao động hiện vẫn đang trong quá trình tiếp tục nghiên cứu và cũng mới chỉ có những dự thảo bước đầu, chứ chưa phải là một dự thảo đã hoàn chỉnh”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, với những người lao động trực tiếp sản xuất, đặc biệt các ngành nghề nặng nhọc, độc hại phải có những quy định riêng. “Có thể còn có những lý do khác nữa mà chúng ta phải nâng tuổi nghỉ hưu lên, nhưng phải có lộ trình hợp lý, đó là quan điểm nhất quán của Tổng LĐLĐVN”, ông Quang khẳng định.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho rằng, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức phức tạp phải đánh giá một cách hết sức thận trọng với nhiều yếu tố từ vấn đề kinh tế, xã hội, việc làm, điều kiện lao động, sức khỏe của người lao động. Do đó phải xem xét một cách toàn diện.
“Với nhiều góc độ, Tổng LĐLĐVN vẫn rất băn khoăn với việc nâng tuổi nghỉ hưu mà không phân loại từng nhóm đối tượng. Đặc biệt đối với người lao động trực tiếp sản xuất. Ông Quảng cho biết, theo thống kê lao động nghỉ hưu trong những năm gần đây chỉ bình quân 53,4 tuổi (nam là 55,2 tuổi và nữ là 51,7 tuổi).
Luật hiện đang quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi mới nghỉ hưu, ông Quảng cho rằng nếu như bây giờ nâng tuổi nghỉ hưu lên nữa thì tỷ lệ hưởng lương hưu của những lao động này sẽ bị trừ rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.
“Đó mới chỉ là một góc, để xem xét nâng tuổi nghỉ hưu phải đánh giá tác động đến các vấn đề khác như việc làm như thế nào. Từ đó nâng tuổi nghỉ hưu phải được xem xét một cách tổng thể.
Luận chứng cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì Tổng LĐLĐVN suy nghĩ rằng là cân đối Quỹ phải tính toán ở nhiều khía cạnh như: mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm các doanh nghiệp không trốn đóng, nợ đọng BHXH, tăng cường biện pháp quản lý quỹ, tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ… Chứ không phải chỉ đảm bảo Quỹ bằng cách nhìn vào việc nâng tuổi nghỉ hưu”, ông Quảng nói.