Trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu của quân nhân chuyên nghiệp

Thứ Tư, 09/09/2015, 14:50
Ngày 9/9, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được ban hành trong thời gian qua đến nay đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội.

Quang cảnh phiên họp.

Đặc biệt, về hạn tuổi phục vụ Quân đội đối với quân nhân chuyên nghiệp có thể phục vụ tại ngũ từng thời hạn hoặc dài hạn cho đến 50 tuổi đến nay không còn phù hợp. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, để được hưởng mức lương hưu là 75% thì người lao động phải có từ 35 năm đóng BHXH trở lên đối với nam và 30 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên đối với nữ. Như vậy quân nhân chuyên nghiệp sẽ không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng mức lương hưu là 75%, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống của quân nhân chuyên nghiệp và gia đình.

Tại Tờ trình Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức quốc phòng đã quy định hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng như sau: hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp: nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Riêng đối với một số chức danh chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa nếu quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ như trên thì không phù hợp về sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Do vậy, dự thảo đã quy định cụ thể hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ cho các đối tượng này và khi hết hạn tuổi phục vụ, nếu có đủ điều kiện thì được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm vị trí chức danh khác. Việc quy định tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp là nữ như tuổi của quân nhân chuyên nghiệp nam cùng cấp bậc quân hàm để thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới; quy định tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp nữ là 55 tuổi để phù hợp với quy định của Bộ luật lao động.

Dự thảo còn quy định, quân nhân chuyên nghiệp đươc tự nguyện phục vụ tại ngũ từng thời hạn là 6 năm cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm và khi Quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến 5 năm nhưng không quá 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Đối với công nhân, viên chức quốc phòng, hạn tuổi cao nhất phục vụ trong Quân đội là nam 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Tại phiên thẩm tra, đa số các đại biểu đều tán thành với tờ trình Dự án Luật, tuy nhiên một số vấn đề còn chung chung, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể, rõ hơn một số điều như trong Luật chưa ghi phong thăng quân hàm và thang bảng lương, vấn đề này cần phải đưa vào Luật. Nhiều đại biểu góp ý việc quy định tuổi nghỉ hưu của cấp úy là sớm, đề nghị nâng mức tuổi nghỉ của cấp úy lên tối đa  53 tuổi vì đây là đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp. Riêng cấp Thiếu tá và Trung tá chỉ cần quy định một độ tuổi là 54 tuổi.

Nhiều đại biểu đều cho rằng, Luật cần có chế đội chính sách ưu tiên hơn với các đối tượng là sĩ quan đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, phục vụ trên tầu ngầm…vì quy định tuổi nghỉ hưu là 35 tuổi với các đối tượng này thì quá trẻ, rất thiệt thòi, nên cân nhắc đưa lên 40 tuổi. Các ý kiến đều cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định trong Luật về việc nghiên cứu bố trí, sắp xếp, chuyển đổi cho các đối tượng trên về một vị trí công tác nào đó sau 35 tuổi phù hợp với trình độ chuyên môn.

Có đại biểu cho rằng, với lực lượng đặc công sau 35 tuổi cần đào tạo họ trở thành giảng viên Quốc phòng và An ninh, nếu không sẽ rất lãng phí nguồn nhân lực. Riêng chiến sĩ phục vụ ở tầu ngầm cần nghiên cứu có chế độ đặc biệt cho họ vì đây là đội ngũ đào tạo rất vất vả, nếu phải nghỉ hưu sớm thì là thiệt thòi quá lớn.

Trần Hằng
.
.
.