Phải đợi đến đầu 2016 mới tính toán phương án tăng lương
Ông nói: Qua tính toán thấy rằng chúng ta chưa thể có điều kiện để tăng lương một cách căn cơ mà chỉ giải quyết chế độ cho những người có mức lương dưới 2,34 và những người được hưởng lương hưu được tăng khoảng 8% (theo Nghị quyết của Quốc hội), những trường hợp đó sẽ tiếp tục duy trì. Lần này Chính phủ có bổ sung việc tăng lương cho những người có lương hưu trước 1995 mà mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng và giáo viên mầm non để đạt mức lương cơ bản. Còn với hệ số lương từ 2,34 trở lên thì việc tăng lương chưa đề cập…
- Thưa ông, Ủy ban Tài chính – Ngân sách tính toán khả năng cân đối ngân sách năm 2015 như thế nào, có “cửa” cho việc tăng lương không?
+ Muốn tăng lương thì phải có nguồn, mà nguồn giờ rất khó khăn. Giá dầu những năm trước đây dự toán là 100 USD/thùng nhưng giờ giá dầu xuống chỉ còn 45-47 USD/thùng và khả năng năm nay bình quân chỉ ở mức 50 USD/thùng, tức là hụt thu tới 50 USD/thùng. Báo cáo của Chính phủ cho thấy hụt thu từ dầu vào khoảng 61.000 tỷ đồng, chủ yếu rơi vào ngân sách Trung ương và do vậy phải tăng để bù đắp nhưng vẫn hụt thu 31.000 tỷ đồng. Chính phủ thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thành nhưng có thể nói, nguồn thu từ dầu là khó khăn, chúng ta không có điều kiện để tăng thu từ nguồn này nữa.
- Còn về thu nội địa và thu từ GDP?
+ Thu nội địa thì 2016 là năm tất cả các chính sách về thuế sẽ có thay đổi. Ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 25% và tiến tới còn 20%. Thuế thu nhập cá nhân thì nâng lên vì khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải tăng thuế thu nhập cá nhân. Nhưng nói đến tăng thu cũng rất khó khăn. Còn ngân sách huy động GDP của chúng ta ngày càng thấp đi. Giai đoạn trước huy động GDP vào ngân sách là 24,8%, nay chỉ còn 21%. Năm 2015 huy động GDP vào ngân sách chỉ còn 19,6%. Việc này cũng mừng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong lúc khó khăn, nhưng cũng gây áp lực khi thu ngân sách giảm.
- Vậy khả năng tăng thu hai tháng cuối năm và năm 2016 có triển vọng gì?
Chính phủ cho biết sẽ làm chặt từ giờ đến cuối năm, khai thác các nguồn thu, chống thất thu, chống nợ đọng để bù đắp nguồn. Nhưng đó là trong năm nay thôi, còn chuyệntiền lươnglà quá trình dài phải tính toán. Không lẽ năm nay tăng năm sau lại thôi. Cân đối thu - chi là quá trình trung hạn, mà nguồn thu thì rất khó, năm 2016 cũng vậy.
- Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa rồi cho biết, đến tháng 3-2016 sẽ trình Quốc hội phương án tăng lương nhưng vẫn chưa rõ là tăng thế nào, tăng trong năm 2016 hay phải đợi tới 2017?
+ Quan điểm của Chính phủ là sang đầu năm 2016, xem xét tình hình giá dầu như thế nào, khả năng thu ngân sách ra sao, từ đó sẽ trình Quốc hội toàn bộ lộ trình cải cách tiền lương vào kỳ họp 11, tức vào tháng 3-2016. Tôi cho rằng đó là một tính toán tương đối chắc chắn, còn tăng ra sao phải đến lúc đó mới tính toán cụ thể. Thảo luận thì có 50% ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý quan điểm này của Chính phủ.
- Vậy 50% còn lại?
+ Cũng có ý kiến cho rằng cần thực hiện phương án tăng lương ngay. Có thể thời điểm tăng khác nhau như từ ngày 1-5-2016 hoặc 1-7-2016, nhưng theo hướng đó thì chúng ta cần khoảng 10.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc điều chỉnh chuẩn nghèo (người ở nông thôn có thu nhập 700 nghìn đồng/tháng, người thành thị 900 nghìn đồng/tháng là nghèo) cần chi phí hỗ trợ. Cái đó chúng ta cũng chưa cân đối được, cộng thêm vấn đề tiền lương nữa sẽ rất khó.
Một số ý kiến cho rằng bây trên cơ sở mặt bằng ngân sách đã giao cho địa phương, bộ ngành thì các bộ ngành, địa phương phải tiết kiệm các khoản chi thường xuyên như xăng xe, hội nghị... để bố trí phần tăng lương này. Tuy nhiên, phương án này cũng mang tính chất ngắn hạn chứ không dài hạn.
- Như vậy, 3 năm liên tục lương không“nhúc nhích”, điều này trái với lộ trình tăng lương diễn ra hằng năm như thời kỳ trước đó. Khó khăn là thế nhưng kỳ họp này, người hưởng lương vẫn đang trông chờ tín hiệu khả qua từ Quốc hội, ông chia sẻ điều gì?
+ Câu chuyện lương, thu nhập luôn là vấn đề của cuộc sống, của xã hội. Ai cũng đều mong muốn có thu nhập cao hơn nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn thì tất cả các chi tiêu liên quan đến tiền lương và an sinh xã hội phải hết sức thận trọng. Phải hoàn toàn tính đến yếu tố cân đối ngân sách. Nếu chưa cân đối ngân sách được thì làm sao nghĩ đến chuyện tăng lương. Chúng ta đã có nhiều bài học của các nước rồi, như Hy Lạp. Trong khi thu nhập như thế, thuế như thế nhưng lại đưa ra những chính sách về phúc lợi xã hội quá mức sẽ dẫn tớiđổ vỡ, nợ công… thì việc giải quyết còn khó khăn hơn nhiều.