Nhiều tỷ phú ôm “đất vàng, đất kim cương” tại các đô thị chờ thời
- Kiểm toán chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý đất đai tại Đà Nẵng
- Vi phạm trong quản lý đất đai, nhiều cán bộ bị khởi tố
- Chống lợi ích nhóm trong ban quản trị nhà chung cư
- Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực
Nát quy hoạch, đội vốn, chậm tiến độ
ĐBQH Đinh Duy Vượt cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất.
ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) |
“Đây là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải... ngày càng tăng. Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác”, ông phân tích.
Từ những phân tích trên, ông cho rằng, cử tri kỳ vọng các trụ sở cũ, cả các cơ quan đã di rời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, các công trình công cộng, tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó “trơ trơ như thách thức cùng dư luận”. Đại biểu đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lí trong quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng “căn bệnh” trên.
Bên cạnh đó, ĐBQH Đinh Duy Vượt cũng đề cập tình trạng nhiều tỷ phú về đất ôm nhiều “đất vàng, đất kim cương” tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị, đồng thời thâu tóm hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời. Các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất giá trị từ đất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khẳng định, từ góc nhìn của video clip và báo cáo của đoàn giám sát có thể thấy lần đầu tiên quản lý đất đai được soi rọi toàn diện, sâu sắc. Nhưng điều quan trọng là sau tất cả những gì đã chỉ mặt, đặt tên thì các vụ việc nêu trên bao giờ bị xử lý và xử lý thế nào để không tái diễn.
“Từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8B Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hay việc xà xẻo các mảnh “đất vàng” tại các đô thị lớn. Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân”, đại biểu nhận định.
Còn tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau
ĐBQH Đinh Duy Vượt cũng đề cập đến tình trạng việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí liều không tuân thủ pháp luật. “Cử tri hoài nghi có hay không “lợi ích nhóm”, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất”, đại biểu nêu.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) |
Đồng thời, lợi dụng cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) lo ngại việc nhà đầu tư tự ý sử dụng đất đối với các khu đất đã được thực hiện chuyển nhượng, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, thực hiện chuyển quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền chưa đúng quy định của pháp luật đất đai. Thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án khi chưa hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
“Đây là việc làm tùy tiện, vi phạm pháp luật, có biểu hiện ưu ái cho doanh nghiệp sân sau của người có thẩm quyền và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Một số người dân thiếu thông tin cũng nộp tiền mua đất, nhận quyền sử dụng đất nhưng hàng chục năm sau chưa được giao đất không biết đất mình mua ở đâu, dẫn đến khiếu nại, kêu cứu nhiều cơ quan”, đại biểu nói.
Có dự án quy hoạch 27 năm chưa thực hiện
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lý dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với các vùng đất quy hoạch lâu dài chưa thực hiện ngay được cần di dời người dân để tạo quỹ đất “sạch” hoặc có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo, tách hộ.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) |
Ông cho rằng, đây cũng là vấn đề rất bức xúc liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương và người dân ở vùng đất quy hoạch này không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá. “Có dự án như dự án khu Bình Quế, Thanh Đa, TP.Hồ Chí Minh liên quan đến gần 4.000 hộ dân, gần 15.000 nhân khẩu có chủ trương quy hoạch từ năm 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện”, đại biểu Hàm lấy ví dụ.
Để hạn chế tình trạng chậm triển khai dự án, dẫn đến dự án treo, quy hoạch treo, ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cần quy định rõ thời gian phải triển khai, hoàn thành triển khai dự án quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng, trong đất có khu đô thị. Có chế tài quy định rõ ràng trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại chậm, không triển khai dự án quy hoạch gây ra.
Đồng quan điểm, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bổ sung trong nghị quyết và chỉ đạo tập trung loại bỏ quy hoạch treo và người dân có quyền khởi kiện chính quyền về quy hoạch treo đó. “Quy hoạch treo phải bồi thường thiệt hại” – ông nhấn mạnh.