Ngành y tế nói gì về thuốc của VN Pharma trúng thầu tại khu vực TP Hồ Chí Minh?

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:45
Th.S Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Dược Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, sau khi đấu thầu năm 2013–2014, có 3 loại thuốc của VN Pharma bị hủy sau khi trúng thầu, và 7 loại thuốc bị Cục Quản lý Dược rút giấy phép nên không được cung ứng cho bệnh viện nào tại TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi xung quanh dư luận đang lo ngại về việc ngoài thuốc chữa ung thư H-Capita với "bản án" thuốc giả lọt vào bệnh viện tới tay người bệnh, còn có thêm 7 loại thuốc kháng sinh và 2 loại thuốc chữa bệnh thông thường của VN Pharma trúng thầu vào Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã vào các bệnh viện hay chưa, người bệnh có nguy cơ uống phải những loại thuốc này hay không, Th.S Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Dược Sở Y tế (SYT) TP Hồ Chí Minh đã có buổi trao đổi với PV Báo CAND.

Ông Đỗ Văn Dũng trả lời các thắc mắc của PV.

Ông Dũng khẳng định, sau khi đấu thầu năm 2013–2014, có 3 loại thuốc của VN Pharma bị hủy sau khi trúng thầu, và 7 loại thuốc bị Cục Quản lý Dược rút giấy phép nên không được cung ứng cho bệnh viện nào tại TP Hồ Chí Minh.

3 loại thuốc đã bị huỷ kết quả trúng thầu                             

Theo ông Dũng, năm 2013 – 2014 là năm đầu tiên VN Pharma tham gia đấu thầu tại TP Hồ Chí Minh và trúng thầu khoảng 146 mặt hàng trị giá hơn 460 tỷ. Trước đó, công ty này đã trúng thầu tại nhiều địa phương khác trong cả nước.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), về việc rút giấy phép nhập khẩu của H-Capita của Công ty CP VN Pharma và rút số đăng ký của 7 loại thuốc do Helix Pharmaceuticals sản xuất và được VN Pharma nhập khẩu, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có các Quyết định số 3195 và 3196/QĐ-SYT ra ngày 6-10 và ngày 7-10-2014, hủy kết quả trúng thầu 3 mặt hàng của VN Pharma bao gồm: ( H-Capita, BIPANDO và PEPTAN).

Trong đó, H-Capita 500mg (hoạt chất Capecitabin) do nhà SX: Helix Pharmace uyicals inc - Canada với số lượng trúng thầu: 471.275 viên (giá là 31.000 đồng), tổng thành tiền: 14.609.525.000 đồng; BIPANDO (tên hoạt chất là Pantoprazol + Domperidon, hàm lượng 40mg+10mg) do Công ty CP SPM-Việt Nam SX với số lượng trúng thầu 1.465.000 viên, trị giá thành tiền: 9.888.750.000 đồng.

Giá đề nghị trúng thầu là: 6.750 ngàn đồng; và thuốc PEPTAN (40mg, dạng tiêm truyền do Liên doanh Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (đơn vị thành viên của VN Pharma) và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco trúng thầu 181.527 lọ với giá đề nghị trúng thầu là 32.500 đồng. Tổng trị giá là gần 6 tỷ đồng.

Ngoài H-Capita 500mg là thuốc trị ung thư thì hai thuốc còn lại là thuốc trị bệnh dạ dày, rối loạn tiêu hoá và là thuốc thông dụng. Lý do bị hủy: do chỉ có giấy phép nhập chuyến, không được phép tham gia đấu thầu. Việc hủy kết quả thầu này không ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc của TP Hồ Chí Minh và không có tình trạng bệnh viện thiếu thuốc.

Ông Dũng cũng cho biết, việc huỷ kết quả trúng thầu là theo đúng Luật Dược qui định. Riêng về lô thuốc 9.300 hộp thuốc H-Capita sau khi trúng thầu tại TP Hồ Chí Minh của VN Pharma, sau khi bị nghi vấn hồ sơ giả mạo đã bị Công an niêm phong số thuốc này trong kho. Do đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng không nhận 1 viên thuốc nào để đưa vào các bệnh viện, bác sĩ cũng không có cơ hội để kê đơn cho bệnh nhân và bệnh nhân cũng không có cơ hội để uống thuốc đó.

Ông Dũng thừa nhận, VN Pharma tuy mới thành lập 2-3 năm nhưng công ty này có nguồn cung ứng với mức giá rất “mềm". Giá đề nghị trúng thầu luôn thấp hơn hẳn các đơn vị khác. Trừ 3 loại thuốc bị hủy, số thuốc trúng thầu của VN Pharma chủ yếu là thuốc sản xuất trong nước. Xét về yếu tố kỹ thuật, chất lượng như nhau, do VN Pharma bỏ giá rất thấp  nên đã trúng thầu hàng loạt. Theo đó, trong năm 2013 – 2014, VN Pharma được xem là một “hiện tượng” trong giới kinh doanh thuốc của Việt Nam.

Vì sao Cục Quản lý Dược kết luận H-capita “không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người”?

Ông Dũng cho biết, sau khi có kết quả trúng thầu năm 2014, có một số thông tin nói thuốc không chất lượng, chất lượng kém, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã lấy khoảng 92 mẫu thuốc mang đi kiểm nghiệm. Trong đó, ưu tiên lấy mẫu thuốc thuộc nhà cung ứng từ Ấn Độ, một số mẫu thuốc mới có số đăng ký mà chưa có kinh nghiệm của bác sĩ trong điều trị sử dụng, đặc biệt, ưu tiên lấy một số mẫu thuốc tiêm của VN vì về kỹ thuật sản xuất thuốc tiêm của VN không được tốt. Sau khi kiểm nghiệm, kết quả 100% thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Do nghi vấn thuốc H-Capita là giả, nên Bộ Y tế cũng lấy mẫu thuốc của VN Pharma đi kiểm nghiệm. Nhưng, ông Dũng cũng bày tỏ: "Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, H-Capita có 97% là hoạt chất capecitabine - hoạt chất chữa ung thư, là thuốc dùng được nhưng không hiểu vì sao Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế lại kết luận “nguyên liệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng nên không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người”?. Và cho rằng, chính vì kết luận này đang làm người dân nghi ngại, không dám sử dụng một số thuốc khác có chứa hoạt chất này cũng như đã và đang gây nên tình trạng nhiễu thông tin, gây hoang mang".

Theo phân tích của ông Dũng: "Theo tiêu chí về độ tinh khiết của nguyên liệu khi SX thuốc, tùy theo quy định của mỗi nước, tuỳ trình độ kĩ thuật, thường thuốc có độ tinh khiết 97, 98, 99% là vẫn sử dụng được. H-Capita là thuốc có chứa hoạt chất chữa bệnh thật".

Ông Dũng cũng khẳng định, 7 loại thuốc của VN Pharma do Helix Pharmaceuticals sản xuất bị Cục Quản lý Dược rút giấy phép chưa được cung ứng tại TP Hồ Chí Minh. Đó là các thuốc: H2K Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100ml); H2K Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400mg/200ml); H2K Levofloxacin 250 (hoạt chất 250mg/100ml); H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500mg/100ml); H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin 750mg/100ml); H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200mg/100ml); H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500mg/100ml). Cùng 2 loại BIPANDO và PEPTAN.

H.Nga
.
.
.