Một số Bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh nhiều điều kiện kinh doanh khác

Thứ Năm, 31/05/2018, 08:18
Ngày 30-5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 17 bộ, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi kiểm tra.


Công khai việc cắt giảm điều kiện kinh doanh

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian gần đây, các cơ quan báo chí thông tin về việc các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy nhiên, chính thức cho đến hôm nay mới chỉ có Bộ Công Thương đã cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh bằng Nghị định 08. Còn các bộ, ngành khác mới đang ở quá trình rà soát, không phải là cắt bỏ.

Như vậy là chưa đúng thực chất, chưa đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo và chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Ông đề nghị công khai bộ nào đã rà soát và cắt giảm bao nhiêu, bao nhiêu thời gian để trình, nêu rõ “điều kiện kinh doanh phải xử lý bằng nghị định chứ không phải điều kiện kinh doanh là điều chuyển sang thông tư để lách luật, để làm việc không đúng”.

Dẫn chứng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra là “có những bộ giảm 11 điều kiện kinh doanh ở nghị định nhưng tăng 115 điều kiện kinh doanh ở chỗ khác. Như thế là không được, là trói thêm”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng hợp của Tổ công tác cho thấy, sau các cuộc kiểm tra chuyên đề đối với các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến nhất định, như đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm (như Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển 93,3% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm); giảm cơ bản danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau, xã hội hóa công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, không còn tình trạng độc quyền; thực hiện cải cách, cắt giảm một số thủ tục hành chính chồng chéo; hầu hết danh mục hàng hóa được ban hành đã gắn kèm mã số HS...

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo và mong đợi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bất cập, tồn tại của công tác kiểm tra chuyên ngành chưa được khắc phục triệt để.

Hiện mới có 3 bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng. Một số phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành còn mang tính chất hình thức để đạt được mục tiêu của Chính phủ; một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chỉ mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất các hàng hóa, sản phẩm này vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hoặc phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như trước đây.

Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, một số Bộ chưa tích cực.

Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông có báo cáo chính thức và chính xác về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, hầu hết các bộ đã xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh với tỷ lệ đạt từ 33% đến hơn 50%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh của một số bộ không cần thiết nhưng chưa đề cập trong phương án đơn giản hóa, cắt giảm; hoặc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác.

Cụ thể, ngày 1-3-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, 11 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa nhưng phát sinh thêm 115 điều kiện kinh doanh bổ sung.

Trong phương án đơn giản hóa đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh của một số bộ, nhiều bộ chưa đạt tỉ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, một số bộ chưa tích cực. Đến ngày 31-10-2018, các Bộ phải trình ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh nhưng đến nay, ngoài Bộ Công Thương, mới có Bộ Xây dựng có dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Hầu hết các bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án.

Giải trình ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Võ Thanh Lâm “đính chính”, thực hiện thông báo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, nâng cấp các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh đưa lên thành nghị định, Bộ đã rà soát, ban hành Nghị định 27.

“Toàn bộ các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 27 đều là các điều kiện quy định tại 4 thông tư của Bộ đã ban hành rồi, sau đó đã được rà soát theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ. Đây không phải Bộ đưa ra các điều kiện kinh doanh mới”, “các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 27 chắc chắn không phải là bổ sung thêm”, ông Lâm khẳng định.

Giải trình này không nhận được sự đồng tình từ phía Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM. Khép lại phần tranh luận này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng: “Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Bộ Thông tin và Truyền thông có tới bốn số liệu. Nhưng tóm lại, đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ duy nhất chưa rà soát, đề xuất phương án cắt giảm - yêu cầu Bộ phải có báo cáo phương án chính thức và chính xác về nhiệm vụ quan trọng này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu phát triển của đất nước.

K.H.
.
.
.