11 Bộ phải cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra

Thứ Năm, 01/03/2018, 08:00
Ngày 28-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã chủ trì buổi kiểm tra 16 bộ trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.


Tại buổi kiểm tra, đại diện các bộ, cơ quan đã trình bày các phương án, kế hoạch cắt giảm danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đơn cử, Bộ GTVT sắp tới sẽ cắt giảm 282 điều kiện kinh doanh nằm tại 20 nghị định khác nhau. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn (thành viên tổ công tác) cho rằng, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành đã giảm được từ 35% số lô hàng trước đây xuống còn khoảng 26% năm 2017, nhưng ngay cả khi năm 2018 giảm được xuống 15% thì tỉ lệ này vẫn cao hơn trung bình các nước là 7%.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cải cách lần này nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt, trực tiếp, cụ thể từ Chính phủ và các bộ đã bắt đầu tự cải cách. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đều, có bộ làm nhanh, làm tốt, có kết quả, như Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Nhưng các cơ quan còn lại vẫn đang dừng lại ở mức có phương án, thậm chí mới có ý tưởng chứ chưa có phương án.

Trong năm 2018, 11 Bộ phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 50% thủ tục kiểm tra.

Theo ông Cung, câu chuyện cắt giảm thủ tục ở Bộ Công Thương diễn ra khá nhanh, nhưng từ khi bắt đầu chuyển động đến lúc có nghị định chính thức cũng mất 4-5 tháng. Chính phủ đặt ra mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thì cần phải chuyển động nhanh hơn, thực hiện quyết liệt hơn mới có thể đạt được.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, đà cải cách đang rất tốt, tạo niềm tin rất cao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các bộ phải cắt giảm thực sự. “Qua báo cáo của các bộ, tôi thấy việc cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra đã khá rõ, khá đúng tiến độ, nhưng đề xuất cắt giảm thủ tục rất ít. Cỗ xe đã chuyển động rồi mà nay dừng lại là rất nguy hiểm”, ông Thiên nói.

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng ghi nhận những chuyển động vừa qua của các bộ đã được các doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, việc cải cách cần đi vào chiều sâu hơn nữa để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Tổ công tác đề nghị sau buổi kiểm tra, các bộ xây dựng phương án chính thức, rõ ràng cho từng vấn đề, từ ngày 15-3 tổ sẽ làm việc với từng bộ. 

“Mỗi tháng sẽ kiểm tra ít nhất 4 đơn vị, lần này xuống tận huyện, tận địa phương. Bởi rào cản không phải chỉ ở trên bộ mà còn ở nhiều ngóc ngách khác”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ và lưu ý các bộ không được xây dựng phương án cắt giảm hình thức, bởi các buổi kiểm tra sẽ có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. 

Đồng thời, việc cắt giảm phải thực chất, tránh tình trạng gom nhiều điều kiện kinh doanh lại làm một, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp. Về hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tinh thần là phải đổi mới mạnh mẽ phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quan tâm công bố công khai các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cũng không được biến tiêu chuẩn, quy chuẩn thành điều kiện kinh doanh.

Ngay sau buổi kiểm tra sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trước hết phải xử lý được vấn đề kiểm tra chồng chéo giữa các bộ. Đồng thời sẽ báo cáo Thủ tướng đồng ý chủ trương một nghị định sửa nhiều nghị định để cắt giảm các điều kiện kinh doanh và ban hành theo trình tự rút gọn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ cùng với các bộ bàn bạc nếu còn sự khác nhau về quan điểm để đến 30-6 năm nay ban hành được nhiều nhất các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó cắt giảm các thủ tục, điều kiện. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ mời các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng ngồi lại, cùng rà soát lại một lần nữa trước khi các văn bản được ban hành.

Theo yêu cầu của Chính phủ, 11 Bộ phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 50% thủ tục kiểm tra. Trong đó nhiều nhất là Bộ Y tế có 802 mặt hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông có 143 mặt hàng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 110 mặt hàng, Bộ Giao thông Vận tải có 128 mặt hàng…

Lưu Hiệp
.
.
.