Nơi nào mở đường dân sinh trái phép thì chính quyền phải chịu trách nhiệm

Thứ Tư, 15/03/2017, 10:36
Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp thứ 8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi), sáng nay, 15-3.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy, theo thống kê, trên 90% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó trên 80% xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp.

Có ý kiến đề nghị rà soát, tổng kiểm tra đường ngang dân sinh để có quy định phù hợp đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tai nạn đường sắt và cần tính toán lộ trình hợp lý để xây dựng; đề nghị quy định rõ, cụ thể trách nhiệm khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm của các cấp khi có tai nạn xảy ra, quy định rõ trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp, địa phương, về lối đi dân sinh để quản lý…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

“Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định có liên quan về trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt cho cụ thể, rõ ràng hơn. Theo đó, Điều 24 của Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GTVT, UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt” – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói.

Theo ông, trên cơ sở rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đường sắt năm 2005 vẫn đảm bảo phù hợp với thực tế, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt của các tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 40 đến Điều 48 của Dự thảo Luật).

Cũng theo thống kê, số lượng đường ngang năm 2005 là 1.456, đến năm 2015 là 1.498 (tăng 42 đường ngang); lối đi dân sinh năm 2005 là 3867, đến năm 2015 là 4309 (tăng 442 đường). Trước thực tế của việc gia tăng số lượng đường ngang, lối dân sinh và tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại đường ngang, đường giao cùng mức và tự phát còn nhiều… đồng thời bảo đảm thực thi các quy định này cho phù hợp thực tế, Dự thảo giao Chính phủ quy định việc xử lý các vị trí giao cắt không phù hợp và lộ trình thực hiện tại khoản 5 Điều 17.

Góp ý kiến vào dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định bà quan tâm đến vấn đề an toàn đường sắt và việc mở lối đi dân sinh.

“Hiện quy định còn chung chung, UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, có biên pháp bảo vệ, thanh tra… Đề nghị cho kiểm tra lại, trong 5 năm qua xảy ra bao nhiêu vụ giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, ở địa điểm nào? Những vụ lớn xảy ra vừa rồi thì nằm ở nút giao nào, thuộc về trách nhiệm của ai? Có thể có những nút nằm trong trách nhiệm của ngành đường sắt chứ không hẳn do người dân tự mở” – bà Nga đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong hơn 4.000 đường dân sinh trái phép, nếu không gắn trách nhiệm với chế tài xử lý nghiêm thì không bao giờ thực hiện đúng Luật đường sắt được.

“Trách nhiệm của các địa phương có đường sắt đi qua phải xử lý thật mạnh. Nơi nào mở đường dân sinh trái phép mà để xảy tai nạn thì phải chịu trách nhiệm, thậm chí mất chức chứ không phải báo đài đưa tin xong rồi thôi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, dù đường sắt có cố gắng nâng tốc độ tàu Bắc-Nam nhưng nếu các đường ngang dân sinh cứ mở ra trái phép thì cũng như không. “Nếu tai nạn xảy ra có ai phê phán đường sắt đâu, chủ yếu là do mở đường ngang trái phép. Những người lái tàu chịu áp lực rất lớn… Có anh lái tàu bị mất tay để bảo đảm tàu không bị lật, chấp nhận hy sinh để bảo đảm tính mạng hành khách và tài sản Nhà nước” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc xây dựng luật cần khắc phục để không để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như thế nữa…

Đồng thời Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tạo ra bước đột phá mới về chính sách pháp luật để đường sắt trong 5-10 năm tới trở thành một trong những loại hình giao thông chủ đạo của đất nước.

Tiếp thu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đưa ra thực tế, chúng ta đang xây dựng Luật đường sắt với hệ thống đường sắt hết sức lỗi thời, đã 107 năm tuổi. “Các kết nối trước đây giữa đường bộ, đường sắt, đường thuỷ khá hoàn hảo nhưng do chúng ta quan tâm không phù hợp nên đường sắt bị giảm dần đi”.

Theo ông, hiện có 2 vấn đề, đó là duy trì đường sắt cũ và chuẩn bị tốt cho đề án đường sắt tốc độ cao. Với vận tốc khoảng 160-200km/h, đường sắt tốc độ cao khác đường sắt cao tốc ở chỗ sẽ vừa vận chuyển hành khách vừa vận chuyển hàng hoá. Về tính an toàn, cũng như đường cao tốc và đường bộ, hệ thống đường sắt tốc độ cao phải an toàn tuyệt đối, biệt lập với đường dân sinh.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để có báo cáo cụ thể và dẫn chiếu đầy đủ hơn. Quá trình xây dựng đường sắt phải đảm bảo an toàn cũng như quyền đi lại bình thường nhất của người dân…” – Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Quỳnh Vinh
.
.
.