Lực lượng Cảnh vệ cần có quyền chủ động nổ súng

Thứ Hai, 08/08/2016, 14:40
“Thiết kế luật sao cho Lực lượng Cảnh vệ có quyền chủ động, tức là đi trước đối tượng, nhưng không được lạm dụng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) Võ Trọng Việt nhấn mạnh về quan điểm sử dụng vũ khí, tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh vệ, sáng nay, 8-8.


Đại diện Ban soạn thảo phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Pháp lệnh Cảnh vệ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2005, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước cũng như công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên trong 10 năm qua, những yếu tố liên quan đến công tác Cảnh vệ, nhất là yếu tố bên ngoài có nhiều điểm mới, từ đó đòi hỏi biện pháp, tổ chức của lực lượng Cảnh vệ phải có sự đổi mới, bổ sung cho phù hợp.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam phát biểu tại phiên họp, sáng 8-8.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Quốc hội vừa qua ban hành nhiều văn bản pháp luật mới, cho nên Pháp lệnh Cảnh vệ có những điểm chưa tương thích với những bộ luật ban hành. Từ yêu cầu đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Quốc phòng báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Cảnh vệ, trên cơ sở tổng kết và nâng lên từ Pháp lệnh Cảnh vệ, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đặc biệt đối với các vị trí là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã, đang đảm đương nhiệm vụ, giữ vị trí quan trọng nhất của đất nước; đồng thời bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của quốc gia; kịp thời ngăn chặn âm mưu và hành động tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch.

Toàn cảnh phiên họp.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định, Ban soạn thảo trân trọng lắng nghe những ý kiến của các đồng chí trong Uỷ ban QP-AN, và coi đây là cơ sở để Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung, chỉnh lý dự thảo luật để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong thời gian tới.

Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao bởi đây là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường, đe doạ tính mạng, sức khoẻ. Vì vậy họ cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ.

Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như Pháp lệnh để đảm bảo sự thống nhất về quyền lợi đối với các chức vụ khác trong hệ thống chính trị.

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Uỷ ban QP-AN lập luận: “Thực tiễn trong quá trình xét xử, người dân bức xúc là bức xúc với hội đồng xét xử vụ án cụ thể chứ không phải bức xúc với đồng chí Chánh án TAND tối cao. “Nếu bổ sung 3 đồng chí trên thì cũng cần phải bổ sung cả Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Và nếu tăng thêm đối tượng bảo vệ nghĩa là tăng thêm biên chế, tổ chức trong khi thực tiễn không cần thiết lắm…”

Chỉ đạo về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, từ trước đến nay công tác cảnh vệ rất tốt, việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. “Vậy có nên mở rộng đối tượng bảo vệ không, giữa việc để nguyên như pháp lệnh và mở rộng thêm đối tượng thì cái nào phù hợp hơn, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ thêm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý.

Về quy định sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, một số ý kiến tán thành với dự thảo nhưng đề nghị quy định cụ thể hơn về điều kiện, thủ tục, trình tự nổ súng. Một số ý kiến đề nghị việc sử dụng súng trong các hoàn cảnh, trường hợp cụ thể phải tuân thủ quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

“Thực tế khi dùng súng đối tượng không xin, muốn bắn ai là tự ý bắn trong khi lực lượng Cảnh vệ lại phải xin ý kiến. Đối tượng thì kiên quyết mà anh em lại phải do dự. Theo tôi, chúng ta phải thiết kế luật sao cho anh em có quyền chủ động, tức là đi trước đối tượng nhưng không được lạm dụng”. Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt lưu ý.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá dự thảo luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, có thể trình lên UBTVQH cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội. Tuy nhiên đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ. “Chẳng hạn, về chế độ chính sách, cần nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi cho anh em, nhưng cũng phải đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp quy định của pháp luật. Cần phải đánh giá tác động kỹ hơn một chút, có số liệu cụ thể để tăng tính thuyết phục”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, đồng thời yêu cầu Thường trực Uỷ ban QP-AN, Bộ Công an và các Uỷ ban của Quốc hội khẩn trương hoàn thành báo cáo sơ bộ để trình UBTVQH vào phiên họp sắp tới…

Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được nổ súng trong trường hợp cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả.

Trong trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ thì lực lượng Cảnh vệ được nổ súng tiêu diệt. Đối với các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định pháp luật.


Quỳnh Vinh
.
.
.