Luật An ninh mạng giúp nâng cao tính tuân thủ pháp luật Việt Nam của mạng xã hội

Thứ Sáu, 08/11/2019, 10:01
Một loạt câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng 8-11 liên quan đến vấn nạn tin giả, tin xấu độc tràn lan trên mạng xã hội và cách ứng phó của Bộ TT&TT.

Cần biện pháp giải quyết nạn tin giả

Chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định nêu loạt vấn đề liên quan đến vấn nạn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Trả câu hỏi của ông Nhường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là một câu chuyện toàn cầu, tác động đến các nước và cả Việt Nam.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. 

Về công tác quản lý, Việt Nam hiện có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, ông Hùng chỉ ra các nước đều có một quy định nữa để quản lý thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội. Ở ASEAN, Singapore có một luật xử lý tin giả rất nghiêm, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tới hàng triệu USD và phạt tù nhiều năm.

Ở Việt Nam, ông Hùng thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an xử lý việc này. "Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đặt vấn đề "tin xấu, độc, sai sự thật từ đâu mà ra", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng sống trên mạng xã hội là rất cần thiết. Mỗi người cần nhận thức được thông tin xấu, độc để tránh lan toả chúng.

Liên quan đến chất vấn về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ, còn các đô thị thì đua nhau xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người.

Đại biểu Lê Công Nhường. 

Trả lời, Bộ trưởng Hùng cho hay Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao. "Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có hai mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy", Bộ trưởng Hùng phát biểu.

Bộ trưởng Hùng thông tin Bộ đang nghiên cứu, làm việc để đưa ra các khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội và lấy ví dụ về việc nhiều nước hiện đã có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh, hạn chế trẻ em chơi game.

Các mạng xã hội tuân thủ hơn từ khi có Luật An ninh mạng

Về các sai phạm liên quan đến thông tin sai sự thật, xấu, độc, vi phạm luật pháp Việt Nam, ông Hùng cho biết các nền tảng mạng xã hội trong nước tuân thủ luật pháp nghiêm hơn các nền tảng nước ngoài như Facebook và Google.

"Mục tiêu của chúng ta là sự tuân thủ pháp luật của các nền tảng này", ông Hùng nói và nêu sự cần thiết của việc xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết đó là biện pháp quan trọng để nâng cao trách nhiệm của những người lan truyền thông tin trên mạng xã hội.

Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng TT&TT, chúng ta có chủ quyền và chúng ta sẽ thực thi chủ quyền trên không gian mạng. Mạng xã hội có hai mặt, ví dụ như riêng như Facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng bước.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam hiện có đủ năng lực về pháp lý và công nghệ cho việc này. Sau khi có hai nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. "Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Nhắc thêm về chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình về các nguy cơ an ninh mạng, Bộ trưởng Hùng khẳng định chúng ta giải quyết vấn đề trên không gian mạng trước khi có Luật An ninh mạng. Và khi có luật thì ta có cơ sở và ta làm mạnh mẽ hơn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.

Dẫn chứng những kết quả cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, trước đây với Facebook, "nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%", nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Đối với nền tảng Google, trước đây họ chấp hành 40-50% yêu cầu của Việt Nam, song nay tăng lên 85%. Cá biệt, với các trò chơi trực tuyến xấu, độc, vi phạm luật pháp việt Nam như game bài thì họ gỡ bỏ gần 100%.

Ông cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đoàn Hà Nội về các thế lực chống phá, phá hoại nền tảng tư tưởng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Bộ vừa rồi đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ông Hùng cho biết, chỉ riêng hai tháng gần nhất, Bộ đã làm rất mạnh tay và gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn. "Trong đó có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này", ông Hùng cho hay. 

Ông Hùng cho hay những trang giả mạo trên rất nguy hiểm. "Đến một ngày đẹp trời, các trang đấy sau khi lấy niềm tin của người đọc, đưa những thông tin trong tình huống khẩn cấp", ông Hùng phân tích. 

Minh - Thuỷ
.
.
.