"Long An sẽ sớm tự cân đối thu chi ngân sách"
Với vị trí tiếp giáp TP HCM và có nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua nên Long An có nhiều lợi thế, đột phá vươn lên trở thành tỉnh có nền công nghiệp và dịch vụ cảng phát triển của khu vực phía Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. |
Hiện nay quy mô nền kinh tế của tỉnh Long An đứng thứ 14 của cả nước, đứng thứ nhất ĐBSCL. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 đứng thứ 3 cả nước, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố,...
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 9,89%, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ của Long An đều phát triển cao với trên 15%. Hiện nay toàn tỉnh đã có 8.883 doanh nghiệp, đứng thứ 12 cả nước và tốc độ tăng trên 13% so với năm 2017.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã tích cực áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để gia tăng sản lượng lúa, đạt 1,6 triệu tấn, đạt 70% kế hoạch năm, bằng 116% so với cùng kỳ, riêng lúa chất lượng cao là 780.000 tấn, đạt 52% kế hoạch; áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, liên kết với doanh nghiệp và chuỗi giá trị đã tiết giảm chi phí cho hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh và môi trường.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn đã đạt 10.000 tỷ đồng, đạt 74% dự toán Trung ương giao, trong đó thu nội địa đạt 7.600 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, tỉnh không chỉ tập trung phát triển vùng giáp ranh với TP HCM mà còn đầu tư phát triển khu vực phía Đông Nam với hệ thống cảng cửa sông, cửa biển, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50,... với nhiều cơ hội phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, nhiều năm qua Long An đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và tin rằng với chu kỳ ngân sách như hiện nay, tới năm 2021 trở đi, Long An sẽ trở thành tỉnh thứ 2 của ĐBSCL tự cân đối được ngân sách (sau Cần Thơ).
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Long An trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công.
Để phát triển Long An hơn nữa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo tỉnh và các cấp ngành sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển địa phương trong thời gian tới và lập danh mục các dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025; tiếp tục quan tâm phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.
Địa phương cũng cần quan tâm cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, công ty nông lâm trường, cụ thể sớm hoàn thành thoái vốn tại 13 công ty theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao quản trị của doanh nghiệp và địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư.
Đối với phát triển kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh làm rõ cơ sở pháp lý và khung khổ chính sách kiện toàn phát triển các mô hình tổ hợp tác, báo cáo tại hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Trung ương.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành cũng giải đáp nhiều kiến nghị liên quan tới thực hiện luật quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, quản lý tài sản công, quy định về cách tính tiền sử dụng đất, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện quốc gia trung tâm nhiệt điện Long An từ sử dụng than sang khí hoá lỏng và nâng công suất lên 6.400 MW,...
Phó Thủ tướng mong rằng các điểm nghẽn của Long An sẽ sớm được tháo gỡ để khơi thông sự phát triển cho địa phương và cả ĐBSCL.