Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Tiền Giang

Thứ Ba, 27/08/2019, 15:19
Sáng 27-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Tiền Giang về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới.


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tiền Giang cùng dự.

Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2019 diễn biến tích cực. GRDP tăng trưởng 7,07%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo đà tăng tỉ trọng ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và giảm mạnh tỉ trọng ngành nông nghiệp (từ 40,2% xuống còn 38,6%).

Tổng thu ngân sách trên địa bàn hết tháng 7-2019 đạt gần 6.750 tỷ đồng, bằng 72,5% dự toán, tăng 33,5% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa là 6.500 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, dự kiến tới hết năm nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch, nếu trừ thu từ sổ xố và tiền sử dụng đất thì Tiền Giang vượt thu khoảng 12% là mức tăng khá so với cả nước.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết toàn tỉnh Tiền Giang có dư nợ tín dụng 55.000 tỷ đồng, trong đó dành hơn 10.000 tỷ đồng cho vay khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là tín hiệu tốt trong phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như gia tăng nguồn thu cho địa phương. Hiện nay, tỉnh đã có 5.370 doanh nghiệp (tăng 2.500 doanh nghiệp so với cuối năm 2016) và hơn 60.700 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá Tiền Giang đang làm tốt việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giúp kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng qua đạt 1,9 tỷ USD, bằng 63,3% kế hoạch và tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng rất cao so với bình quân chung cả nước và trong bối cảnh nhiều quốc gia giảm xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tiền Giang đã có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tới năm 2020 (70 xã đạt chuẩn). Công tác chỉ đạo, thực hiện xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, ngành và người dân đẩy mạnh, nhất là nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã đạt chuẩn và đời sống, thu nhập của người dân. Tiền Giang đặt mục tiêu hết năm 2020 sẽ không còn xã nông thôn mới nào có dưới 10 tiêu chí.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cho biết tỉnh Tiền Giang đã quan tâm uỷ thác 53 tỷ đồng cho NHCSXH, đưa tổng vốn uỷ thác của tỉnh lên tới hơn 150 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách dành tới hơn 90% để cho vay sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương khoá IX về phát triển kinh tế tập thể, HTX, Tiền Giang đã có 107/171 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 62%, đóng góp 1,7% vào GRDP của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết giữa các hộ gia đình và với các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết HTX nông nghiệp tăng dần về số lượng, chất lượng, hoạt động ổn định, có lãi, bộ máy gọn nhẹ, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. Nổi bật là các HTX Mỹ Quới, Thạnh Hoà, Mỹ Thành, Green Vina, Mỹ Hoà... tham gia xây dựng cánh đồng lớn từ hơn 1.500 ha lên thành hơn 5.500 ha hiện nay. Một số HTX xuất khẩu thanh long, dừa sang châu Âu, Hoa Kỳ. Một số HTX sản xuất rau an toàn đã liên kết, cung cấp 46 chủng loại rau vào siêu thị, bếp ăn, nhà hàng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP với sản lượng hơn 2.000 tấn/năm.

Nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp đã xuất trực tiếp hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada mà không phải qua trung gian...

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các bộ, ngành cũng chỉ ra những khó khăn đối với sự phát triển của tỉnh, đó là dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu dừng lại, giá lúa Đông Xuân giảm khi vật tư đầu vào tăng àm giảm thu nhập nông dân; cơ cấu lại kinh tế còn chuyển biến chậm, chưa hiệu quả nên tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào đầu tư; tình trạng tệ nạn ma tuý, an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp...

Ảnh: VGP/Thành Chung

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả của Tiền Giang trong thu ngân sách, xuất khẩu và có nhiều nỗ lực trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX (55 HTX được thuê đất và 29 HTX được giao đất để xây dựng nhà kho, nhà sơ chế, bảo quản) và xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng cho rằng trong phát triển HTX, ở nhiều địa phương khác, HTX không có nhiều tài sản đáng kể  nhưng ở Tiền Giang, nhiều HTX có trụ sở và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất là tín hiệu đáng mừng, cần được tập trung triển khai hiệu quả, liên tục trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Tiền Giang quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ ban hành đầu năm 2019, trong đó tập trung vào phát triển doanh nghiệp khi tốc độ thành lập còn thấp (năm 2018 tăng 4,4% so với năm 2017), trong đó lưu ý tới việc nâng các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Đặc biệt, Tiền Giang tập trung vào cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn; nghiên cứu xây dựng cơ sở chế biến nông sản hiện đại tương xứng với sản lượng 4,4 triệu tấn trái cây/mỗi năm.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung giải ngân đúng tiến độ, đạt 100% khối lượng Thủ tướng Chính phủ giao. Ưu tiên xử lý giải phóng mặt bằng cho nhân dân để triển khai khởi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 vào đầu năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn đầu tư từ Trung ương để Tiền Giang triển khai các dự án đê biển và công trình xử lý sạt lở cấp bách trên địa bàn.

* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác sẽ tiến hành khảo sát dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để chỉ đạo địa phương, nhà thầu tiến hành các bước đầu tư, xây dựng, bảo đảm tiến độ cho dự án có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chinhphu
.
.
.