Lấy công nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông nghiệp
- Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy phát triển nông nghiệp
- Cà Mau cần chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là thủy sản và du lịch
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tìm giải pháp mới, đột phá trong phát triển nông nghiệp
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Hà Nam đã nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng nông thôn mới, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, tỉnh Hà Nam đã trở thành một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Hà Nam nói chung và huyện Lý Nhân nói riêng đạt được mới chỉ là thành quả cơ bản ban đầu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, tỉnh Hà Nam nói chung và huyện Lý Nhân nói riêng tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch hạ tầng.
Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm 2021- 2025, lựa chọn các dự án ưu tiên để tập trung đầu tư; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của người dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Lý Nhân được đầu tư xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì ổn định. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Đến hết năm 2019, huyện Lý Nhân có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có xã Xuân Khê đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Lý Nhân phấn đấu hết năm 2020 có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đến năm 2025 phấn đấu 50% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập 82,6 triệu đồng/người/năm…
Dịp này, huyện Lý Nhân đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013-2017; Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh Hà Nam tặng Cờ thi đua; 3 tập thể và 6 cá nhân đã được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.