Thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa Việt Nam- Nhật Bản

Thứ Sáu, 07/08/2020, 17:36
Ngày 7/8, đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng (UBHH) được tổ chức tại Việt Nam theo hình thức họp trực tuyến với sự đồng chủ trì của đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Ngài Kajiyama Hiroshi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Tại Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác giữa hai bên kể từ Kỳ họp lần thứ 3 của UBHH Việt Nam Nhật Bản, đặc biệt là kết quả hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN, RCEP, CPTPP, hợp tác năng lượng, hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp.

Hai Bộ trưởng tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Toàn cảnh buổi họp

Hai Bộ trưởng nhất trí rằng hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai Bên trong thời gian tới cần bám sát theo các mục tiêu của Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 và Kế hoạch hành động Phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản. 

Bộ trưởng Kajiyama Hiroshi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam vì thành công của các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN.

Bộ trưởng Kajiyama Hiroshi 

Với nhận thức như trên, hai Bộ trưởng đã xác định phương hướng tăng cường hợp tác song phương thời gian tới như sau:

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng khẳng định cần tính tới nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tính đa dạng, minh bạch và bền vững trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, có khả năng chống chịu tác động. 

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư/doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Về việc hợp tác nâng cao năng lực và sức cạnh tranh công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao đóng góp của các hỗ trợ kỹ thuật từ Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực trong việc nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp cho Việt Nam trong những năm qua và bày tỏ vui mừng trước việc dự án tại Việt Nam nằm trong sáng kiến của Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm điều khiển ô tô trong các nước ASEAN sẽ được triển khai đầu tiên trong năm nay.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với nguồn cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng, ổn định trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế, và cách thức tận dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19. 

Hai Bên đều chia sẻ quan điểm rằng Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là rất quan trọng đối với cả hai nước và nhất trí rằng Chính phủ hai nước tiếp tục quan tâm đến dự án để hỗ trợ dự án triển khai thuận lợi trên cơ sở các điều kiện hai bên đã thỏa thuận. 

Hai Bên cũng bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường hợp tác thông qua các hoạt động đã được thảo luận chi tiết tại Nhóm Công tác Năng lượng vào gày 6//8/2020: Đa dạng hóa các nguồn năng lượng, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ than sạch, hiệu quả cao phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi quốc gia để đạt được hiệu quả trong việc giảm thải cacbon; Tăng cường hợp tác dầu khí trong lĩnh vực hợp tác thượng nguồn, như khai thác khí đốt và xây dựng chuỗi giá trị LNG bao gồm việc thông qua dự án nhiệt điện LNG và lĩnh vực hợp tác hạ nguồn nhằm tăng cường an ninh năng lượng của cả hai nước; Thúc đẩy các chính sách năng lượng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cùng với tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo hài hòa với môi trường, bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo hydrogen, CCUS (thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon) và tái chế carbon.

 Tăng cường hợp tác về các thách thức toàn cầu, bao gồm các vấn đề về biến đổi khí hậu, chia sẻ tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng bền vững và thực tế dựa trên các giai đoạn phát triển kinh tế và đặc điểm địa lý tại các cuộc họp đa phương bao gồm ASEAN + 3, EAS và APEC.

Tiếp tục nỗ lực huy động nguồn tài chính và đầu tư tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng và phát triển thị trường năng lượng tự do và cạnh tranh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua các khuôn khổ đa phương.

Cuối cùng, hai Bộ trưởng đã chỉ đạo các cán bộ của hai Bộ thảo luận và hoàn thiện trong các tháng tới về kế hoạch triển khai các hành động cụ thể về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai Bộ nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung hai Bên đã trao đổi và thống nhất tại Kỳ họp thứ Tư Ủy ban hỗn hợp lần này hoặc tại khuôn khổ các cuộc đối thoại song phương tiếp theo ở cấp làm việc.


Lưu Hiệp
.
.
.