Không thỏa hiệp về an toàn, an ninh hàng không

Thứ Ba, 06/12/2016, 07:49
Ngày 5-12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế về công tác an ninh -an toàn hàng không, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. 

Phát biểu kết luận sau khi kiểm tra thực tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam trong những năm qua. Phó Thủ tướng nêu rõ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành Hàng không dân dụng được hoàn thiện. Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không đã được quan tâm đúng mức, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng sự phát triển của thị trường và nhu cầu của các hãng hàng không.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, ứng phó khẩn nguy được hoàn thiện tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Ngành Hàng không dân dụng vẫn duy trì không để xảy ra tai nạn tàu bay suốt 18 năm qua; không có vụ việc nghiêm trọng về an ninh hàng không uy hiếp an toàn bay.

Bên cạnh đó, ngành Hàng không đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng liên ngành Hàng không, Công an, Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không…

Phó Thủ tướng đã chỉ rõ những nguy cơ, tồn tại, hạn chế của ngành Hàng không trong thời gian qua như: Thị trường hàng không đang có bước phát triển “nóng” trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay còn hạn chế so với nhu cầu của thị trường.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiếm 40% lưu lượng hành khách thông qua của toàn bộ mạng cảng hàng không. Sự tắc nghẽn của Cảng ở khu bay, nhà ga đã gây ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của thị trường, chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu khi các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng khai thác đến 29% so với lịch bay thường lệ.

Hiện tượng chiếu tia lazer gây uy hiếp an toàn bay xảy ra liên tục trong một thời gian. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỷ luật lao động của một số nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, đặc biệt nhân viên soi chiếu còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp. Tình trạng nhân viên hàng không buôn lậu, tiếp tay buôn lậu, nợ nần tiếp tục diễn ra. Tác phong ứng xử của một số nhân viên hàng không gây bức xúc cho hành khách…      

Phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Hàng không tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu, yếu tố sống còn đối với sự phát triển bền vững của ngành Hàng không; có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn liền với quốc phòng, an ninh quốc gia. Ngành Hàng không tiếp tục xây dựng và thực hiện văn hóa an toàn hàng không một cách sâu rộng, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của ngành Hàng không; không thỏa hiệp về vấn đề an toàn, an ninh hàng không vì bất kỳ lý do gì.

Bên cạnh đó, ngành hàng không tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngành Hàng không cần quyết liệt triển khai chiến lược tái cơ cấu, phát triển hài hòa, đồng bộ các phương thức vận tải; điều tiết thị trường hàng không, đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng...

Đối với việc phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát tổng thể năng lực phục vụ, trên cơ sở cân đối với các loại hình vận tải khác để điều tiết lịch bay hợp lý nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không; duy trì chất lượng dịch vụ hàng không, đặc biệt là tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Hàng không Việt Nam chưa nới quy định gọi điện trên máy bay

Không chỉ có nhu cầu sử dụng điện thoại di động, ngày càng có nhiều hành khách đi máy bay đem theo các thiết bị điện tử cá nhân nên đa số các hãng hàng không trên thế giới đã nới lỏng quy định sử dụng thiết bị điện tử, bao gồm cả điện thoại di động để phục vụ lợi ích của khách hàng. Tuy nhiên, hiện Hàng không Việt Nam vẫn thận trọng, chưa nới quy định gọi điện trên máy bay.

Ông Hoàng Hải Trình, Phó trưởng Phòng An toàn hàng không Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết năm 2015, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã gửi tài liệu hướng dẫn về vấn đề  nới quy định gọi điện trên máy bay.

Về nguyên tắc, Cục HKVN không cấm các hãng hàng không cho phép hành khách sử dụng điện thoại trên máy bay trong giai đoạn cất/hạ cánh. Nhưng muốn triển khai theo tài liệu hướng dẫn của ICAO, các hãng hàng không Việt Nam phải tự đánh giá và chứng minh rằng việc sử dụng điện thoại tại thời điểm này không ảnh hưởng đến hệ thống dẫn đường máy bay, trên cơ sở đó Cục HKVN sẽ phê chuẩn cho thực hiện. Nhưng chưa có hãng hàng không nội địa nào triển khai việc này. (Đặng Nhật)

PV (TTXVN)
.
.
.