Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Ngọ Duy Hiểu:

Không thể làm chính sách theo kiểu trên trời

Chủ Nhật, 02/06/2019, 01:54
Trao đổi về câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang rất nóng trên nghị trường Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là một trong những quy định có rất nhiều điều đáng bàn.



Theo ông Hiểu, một trong những lý do ban soạn thảo đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu là nguy cơ thiếu hụt lao động vậy thì phải xem có phải sắp thiếu lao động thực sự hay không và cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể. “Tôi có trao đổi với anh Phạm Quang Thanh, một chuyên gia tài chính, anh ấy nói rằng, muốn đánh giá là thiếu hay đủ lao động thì phải xem lao động sắp vào tuổi lao động đang có bao nhiêu, nhu cầu tương lai của lao động là gì?

Đây là chưa nói đến một thông tin rất quan trọng, đó là theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khoảng 10 năm nữa, 86% lao động ở khu vực thâm dụng lao động như: da giày, thủy sản, lắp ráp điện tử, dệt may… sẽ thay thế bằng robot. Một lực lượng rất lớn lao động được thay thế bằng robot, như thế có nghĩa trong tương lai ngắn sẽ còn dôi ra một lượng lớn lao động. Một vấn đề cũng cần phải quan tâm là hiện nay ta đang thừa lao động.

Mỗi năm chúng ta vẫn có một lượng lớn lao động thất nghiệp, tiếp đó là câu chuyện 200 nghìn cử nhân vẫn đang thất nghiệp nữa. Tổng hợp tất cả các dữ liệu này vào thì câu chuyện thừa hay thiếu lao động cần hết sức lưu ý. Ban soạn thảo không thể cứ bám vào câu chuyện thiếu hụt lao động để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu”, ông Hiểu nói.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu ra thực trạng nữa là hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang “trả” lại lao động cho gia đình vào tuổi 40 (sa thải lao động), bây giờ mà tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu nữa thì mấy chục năm còn lại họ sẽ đi đâu về đâu. Người già thì không muốn làm việc, người trẻ thì muốn đi làm nhưng người già lại phải tiếp tục làm việc trong khi người trẻ thì cứ phải chơi.

Theo thống kê tội phạm học thì 80% phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đều là những người không có việc làm gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Nếu người ta có việc làm thì sẽ không có thời gian cho những hành vi lệch chuẩn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật. “Nhàn cư vi bất thiện” cha ông đã tổng kết từ bao nhiêu năm nay rồi. Đây cũng là câu chuyện phải được tính đến.

Đề cập đến một lý do nữa mà ban soạn thảo đưa ra là tuổi thọ người Việt Nam tăng lên. Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trăn trở, các nghiên cứu nói rằng tuổi thọ Việt Nam tăng lên, nhưng liệu người Việt Nam có khỏe hơn không là một câu chuyện.

Nghiên cứu của ngành y đã chỉ ra rằng, mỗi người trên 60 tuổi đã mang trong mình 2 đến 3 bệnh, trên 70 tuổi thì số lượng bệnh tăng lên 6 đến 7 bệnh. Tuổi thọ tăng nhưng giai đoạn sống khỏe có tăng hay không là câu chuyện cũng phải xem xét. Còn thực tế sức khỏe của công nhân còn kém hơn nữa.

Phải tránh tình trạng, công nhân người lao động khi trẻ thì lấy sức khỏe đi kiếm tiền, khi già lại phải mang tiền đi mua sức khỏe. “Chúng ta lựa chọn tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh đang cố gắng thực hiện tinh giảm biên chế. Rồi nền kinh tế cũng đang phải lựa chọn xuất khẩu lao động là một trong những con đường phát triển kinh tế. Chúng ta phải khắc phục một cái bệnh là “chính sách trên trời mà cuộc đời lại dưới đất””, ông Ngọ Duy Hiểu phân tích.

PV
.
.
.