Không nới rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ

Thứ Hai, 28/10/2019, 19:57
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ so với quy định hiện hành và rà soát diện đối tượng hiện có để bảo đảm phù hợp.

Chiều 28-10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bên cạnh nội dung về quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; các nội dung liên quan đến chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài... là nội dung được các đại biểu quan tâm.

Các đại biểu dự phiên thảo luận chiều 28-10.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ, trước ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17-8-2007 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2015), được thực hiện ổn định trong thời gian qua, đủ điều kiện để đưa vào quy định cụ thể trong luật này.

“Việc quy định cụ thể trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhằm nâng cao giá trị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện ngay sau khi Luật này có hiệu lực thi hành”, ông Việt nhấn mạnh.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể được cấp hộ chiếu ngoại giao và giới hạn trường hợp đi theo, đi cùng; mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ đối với tất cả viên chức và hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong quân đội, công an; quy định cụ thể điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ so với quy định hiện hành và rà soát diện đối tượng hiện có để quy định bảo đảm tính công bằng, hợp lý, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đóng góp thêm ý kiến để hoàn thiện dự án luật, Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) nhận định việc cơ quan soạn thảo đưa thời hạn tối đa của việc cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài là không quá 5 ngày từ thời điểm tiếp nhận đề nghị thể hiện tinh thần phục vụ kịp thời vì lợi ích của công dân khi có yêu cầu.

Đại biểu Đinh Công Sỹ phát biểu tại phiên thảo luận.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về tính khả thi của quy định này vì cho rằng Việt Nam hiện chưa có trụ sở ngoại giao ở một số nước, có những đại sứ kiêm nhiệm 3 đến 4 địa bàn khoảng cách xa hàng ngàn km, việc đi lại rất khó khăn như khu vực Châu Phi, Trung Đông... nên rất khó đảm bảo thời hạn nêu trên.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin như một yêu cầu bắt buộc trong gửi mẫu thông tin trực tuyến để giải quyết một cách thuận lợi và nhanh chóng cho công dân cũng như cơ quan nhà nước, bảo đảm về mặt thời gian theo quy định của luật.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thuy Thủy- Thiện Nhân
.
.
.