Không lợi dụng danh nghĩa của hội để rửa tiền, hối lộ, tài trợ khủng bố
- Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật về Hội
- Cái cớ lố bịch góp ý dự thảo luật về hội bị bóc trần!
- Quốc hội thảo luận dự án Luật về hội: Đa dạng nhưng phải chặt chẽ
Chiều nay, 25-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội. ĐBQH Đào Thanh Hải (TP. Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo việc ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng việc lập hội, lợi dụng các hội để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống đối chính trị, xâm phạm đến an ninh quốc gia cũng như các hoạt động phạm tội khác như rửa tiền, lừa đảo, khủng bố, tài trợ khủng bố… thì việc ban hành luật về hội cần quy định rõ hơn về loại hình hội không đăng ký.
Bên cạnh đó, trong điều lệ hội phải ghi rõ người sáng lập, thành lập, người đại diện cho hội và những người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của hội, các hoạt động vi phạm pháp luật, trái pháp luật của hội viên trong khuôn khổ nhân danh hội.
“Hội thành lập hoạt động thực tế phải có nguồn gốc, khả năng tài chính. Vì vậy để giải quyết việc lợi dụng danh nghĩa của hội để hoạt động phi pháp như rửa tiền, hối lộ, tài trợ khủng bố thì cần quy định cụ thể theo hướng, người đại diện của hội phải chịu trách nhiệm, liên đới trách nhiệm và thực hiện khai báo rõ ràng tài sản của hội, nhất là nguồn gốc tài sản đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; và thực hiện các quy định về thu-chi tài chính theo quy định của pháp luật” – đại biểu phân tích.
ĐBQH Bùi Mậu Quân |
Theo ông, trên cơ sở quy định như vậy sẽ giúp cho các cơ quan quản lý có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý việc huy động tài chính bất hợp pháp từ nguồn gốc tội phạm.
ĐBQH Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cũng đồng tình với việc phải quy định rõ các tổ chức, cá nhân lạm dụng hội và hoạt động hội mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, hay nói cách khác là các hội trái phép, bất hợp pháp.
Theo ông, thực tế hiện nay có gần 100 hội, nhóm núp dưới danh nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự, các câu lạc bộ xã hội nghề nghiệp dân chủ, nhân quyền… do các đối tượng chống đối chính trị thành lập để tập hợp các hội viên là những người tiêu cực trong xã hội để tiến hành các hoạt động chống đối, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các hội, nhóm này đều có sự móc nối, hướng lái, chỉ đạo, tiếp nhận tài trợ từ bên ngoài.
Tuy nhiên công tác đấu tranh gặp khó khăn do chưa có chế tài để xử lý. “Nghị định 45 của Chính phủ chỉ điều chỉnh các hội, nhóm thành lập hợp pháp. Đây là một trong những bất cập trong thực tế đồng thời là kẽ hở lớn của pháp luật mà dự thảo Luật về hội cần điều chỉnh” – đại biểu nhấn mạnh.