Quốc hội thảo luận dự án Luật về hội: Đa dạng nhưng phải chặt chẽ

Thứ Bảy, 10/06/2006, 09:00

Đại biểu Vũ Xuân Hồng (Phú Thọ), Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chỉ rõ: "Luật này phải tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức nhân dân Việt Nam, đáp ứng quyền lập hội ghi trong Hiến pháp cũng như trong Cương lĩnh của Đảng".

Liên quan đến Luật về hội, phiên thảo luận tại Hội trường ngày 9/6 lĩnh hội đủ các ý kiến của hầu hết các đại biểu đang công tác ở các hội từ Trung ương đến địa phương… Phần lớn ý kiến đề cập quyền lợi của hội, tuy nhiên trách nhiệm như thế nào cũng là vấn đề được làm rõ.

Đến nay, có 320 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc và hơn 2.150 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng hàng nghìn hội ở các cơ sở. Các hội cũng rất đa dạng: có hội do tổ chức thành lập, có hội do cá nhân, doanh nghiệp, có hội có cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhưng có hội lại lỏng lẻo… Với sự đa dạng như thế, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Nguyễn Xuân Hướng (đại biểu Hà Tĩnh) đã dí dỏm ví, dân gian có câu "đông như hội".

Hội nào cũng phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích hoạt động

Đề cập việc có hiện tượng một số hội sau khi thành lập, quá trình hoạt động cho thấy có những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích đề ra ban đầu gây khó khăn chung, ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, nhiều ý kiến đề nghị: Hội nào cũng phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, không vì lý lẽ gì biện minh cho tính đặc thù của mình.

Đại biểu Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam đề nghị: Dự luật cần đi thẳng vào những điều quy định để tạo điều kiện cho công dân lập hội, "Tôi đề nghị phải làm rõ: Muốn lập hội phải có những điều kiện gì? Hoạt động của hội ra sao? Quản lý Nhà nước đối với hội như thế nào, ai chịu trách nhiệm chính, kể cả chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm. Hội nào làm tốt được khen thưởng, biểu dương, đồng thời phải thẳng thắn chỉ rõ hội nào hoạt động trái tôn chỉ, mục đích, vi phạm luật pháp và làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và cộng đồng thì phải đình chỉ, rút giấy phép hoặc giải tán".

Ông Đảm kết luận: Chúng ta làm được điều này thì hội ngày càng mạnh, từ đó khối đại đoàn kết cũng được tăng cường, hệ thống chính trị vững mạnh lên thì các hội mới hoàn thành sứ mệnh vẻ vang…

Đại biểu Vũ Xuân Hồng (Phú Thọ), Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ủng hộ quan điểm này và chỉ rõ: "Luật này phải tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức nhân dân Việt Nam, đáp ứng quyền lập hội ghi trong Hiến pháp cũng như trong Cương lĩnh của Đảng, đáp ứng nhu cầu và vai trò xây dựng tích cực của quần chúng".

Ông Hồng cho rằng, Luật này phải đảm bảo sự thống nhất của phong trào nhân dân Việt Nam với vai trò hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội nòng cốt, đồng thời phải tạo điều kiện hình thành mối quan hệ đối tác xây dựng giữa các tổ chức nhân dân với Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa thông qua việc phát huy vai trò trong các tổ chức nhân dân, đời sống chính trị, đảm bảo chủ quyền và an ninh quốc gia, giữ vững ổn định, không để các hành vi lợi dụng…

Hội nhưng không thể lỏng lẻo

Cùng là đại biểu thuộc hội nhưng trong lĩnh vực Hội KHKT, ông Vũ Tuyên Hoàng (Quảng Nam) đề nghị: Chúng ta nêu các hành vi nghiêm cấm cũng phải gắn với những hoạt động khuyến khích mới đảm bảo công bằng. Và điều quan trọng, như chúng ta đã và đang làm hiện nay là quản lý các hoạt động của hội để đảm bảo hội hoạt động theo đúng pháp luật, có lợi cho đất nước, cho xã hội.

Quản lý phải cụ thể, chẳng hạn: Hội Văn học nghệ thuật có yêu cầu ra báo thì trình Bộ Văn hóa - Thông tin, đấy là quản lý Nhà nước về mặt hoạt động; để in sách thì trình Cục Xuất bản cấp giấy phép, điều đó thể hiện hoạt động của hội theo quy trình chặt chẽ, sâu sắc chứ không thể buông lỏng quản lý.

Nói về những ý kiến khác nhau trong thảo luận dự luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói rõ: "Nhận thức là một quá trình, cho nên trong thảo luận, tranh luận khó nhất là thuyết phục người khác và cũng khó nhất là biết nghe để hiểu người khác. Mình phát biểu hăng hái thuyết phục người khác, nhưng rồi cũng không chăm chú nghe người khác để tiếp thu thì không được"

Trường - Hiếu
.
.
.