Khai mạc Phiên họp thứ 47 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Bế mạc phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 10/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 47. Phiên họp dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ ngày 10/8 đến 12/8.
Tham dự phiên họp còn có các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp |
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 47 trong bối cảnh COVID -19 tái bùng phát với những diễn biến phức tạp hơn. Với kinh nghiệm đã có, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, nhất là các các địa phương với sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, cả hệ thống chính trị tiếp tục đoàn kết, đồng lòng với tâm thế bình tĩnh, quyết liệt, khẩn trương, tập trung cao độ khoanh vùng, kiểm soát lây nhiễm, xử lý triệt để các ổ dịch. Cùng với sự hi sinh dốc lòng, dốc sức của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, người dân, cộng đồng xã hội đã nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác, chủ động trong phòng chống dịch, khẳng định niềm tin chiến thắng.
Toàn cảnh phiên họp |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan, tổ chức phải nỗ lực thích ứng với tình hình hiện nay để có kế hoạch triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ của những tháng cuối năm 2020. Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, với các cơ quan tổ chức hữu quan để chủ động điều hành linh hoạt lịch làm việc bảo đảm các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Phiên họp 47 đã diễn ra đúng lịch trình để xem xét các nội dung theo thẩm quyền. Cụ thể:
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; Xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi);
Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; Cho ý kiến về Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi cân nhắc nhiều vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 47 này để đảm bảo các Bộ trưởng, các cơ quan tập trung cao cho nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID -19. Dự kiến chương trình Phiên họp đã được gửi tới các đại biểu và cơ quan hữu quan với sự thống nhất cao.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài 3 ngày, với nhiều nội dung rất quan trọng, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc, tích cực nghiên cứu tài liệu và cho ý kiến sâu sắc về các nội dung.
Ngay sau Phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).