Khắc phục kẽ hở nào trong giám định tư pháp?
- Bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp đối với Kiểm toán nhà nước
- Sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp đáp ứng tình hình mới
Chiều 19-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.
Không có vướng mắc trong giám định kỹ thuật hình sự
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung luật lần này tập trung vào bổ sung quy định trưng cầu giám định trong trường hợp có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau; Bổ sung quy định về thời hạn giám định, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; bổ sung quy định về tiếp nhận thực hiện giám định…
Về việc thành lập cơ quan giám định tư pháp của Viện KSND Tối cao, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến về việc này. Theo báo cáo của Bộ Công an, việc giám định loại việc nói trên của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an không có vướng mắc lớn. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung luật lần này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga |
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về vấn đề này.
Thảo luận ở tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (đoàn Thanh Hóa) cho biết, giám định trong các vụ án lớn rất phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố về thời gian, phương tiện, kỹ thuật, công cụ, các điều kiện để thực hiện giám định. Chưa kể, người giám định chịu áp lực rất lớn kể cả về chuyên môn, thời gian, về xã hội và có tâm lý e ngại nên họ không muốn làm giám định.
Đề cập Luật lần này có bổ sung được một số quy định rõ hơn, cụ thể hơn, như quyền của người giám định thế nào, trách nhiệm ra sao, cơ chế để bảo vệ khi họ bị đe dọa về tính mạng, tài sản, nhân thân, gia đình, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là yếu tố để công tác giám định thời gian tới đây có thể khắc phục được những tồn tại trong thực tiễn.
Ý kiến khác nhau về kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, Dự thảo Luật bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo báo cáo thẩm tra dự án luật, ngoài ý kiến tán thành thì đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định nêu trên là không cần thiết. Theo quy định của Luật giám định tư pháp, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Số vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu từ năm 2013 đến 2018 không nhiều, chỉ với 241 vụ.
"Như vậy, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Nếu giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp thì phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp" - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu |
Không đồng tình với quan điểm của đa số ý kiến ở Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, một trong những yêu cầu sửa Luật này là để phục vụ yêu cầu phòng chống tham nhũng.
Đối với tài sản công, kiểm toán viên của ta rất giỏi, nếu trưng cầu thì cơ quan kiểm toán, kiểm toán viên có thể giúp rất tốt và đây cũng là yêu cầu thực tế của công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.
“Do đó, Ủng hộ quan điểm của Chính phủ, quy định thêm nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước để giám định tư pháp cho vụ việc” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng giám định tư pháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, xuất hiện tình trạng giám định tâm thần làm giả hồ sơ để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Do đó, việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp phải nâng cao chất lượng giám định, đảm bảo tính khách quan, công tâm.
“Giám định do máy móc, nhưng máy móc cũng do con người điều khiển. Vì vậy, cần quy trách nhiệm của cơ quan giám định và người ký ban hành kết luận giám định, đặc biệt là các giám định viên là người điều khiển máy móc”, đại biểu phân tích.
Đưa ra thực tế trong các vụ án hiếp dâm hay giao cấu với trẻ em, việc xác định tội danh khó khăn do các cơ quan chức năng tổ chức giám định quá muộn, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ, đây là kẽ hở về mặt pháp lý chưa xử lý được. Vì vậy cần quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp để đẩy nhanh quá trình đưa bị hại đi giám định.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác giám định như quy trình chưa đầy đủ, vấn đề xã hội hóa giám định chưa đạt yêu cầu, việc trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế hoặc cơ quan trưng cầu không cung cấp văn bản kịp thời cho cơ quan giám định…
“Nhiều vấn đề do tổ chức thực hiện Luật chưa hiệu quả như mong muốn và cũng do Luật còn bất cập nên tôi tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết.