Sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp đáp ứng tình hình mới

Thứ Sáu, 23/11/2018, 08:33
Sáng 22-11, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp. Hiện nay, hệ thống tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự đã được củng cố, hoàn thiện, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định được các Bộ chủ quản, UBND cấp tỉnh quan tâm đầu tư.

Các tổ chức giám định tư pháp ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng… có bước phát triển về số lượng và tăng cường hơn về chất lượng. Theo đó, đã có 179 tổ chức được lập và công bố. Tổng số giám định viên tư pháp trong toàn quốc ở các lĩnh vực là 6.154 người; số người giám định tư pháp theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người…

Hoạt động giám định tư pháp đáp ứng được yêu cầu cơ bản của hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, sau 5 năm thi hành, một số quy định của luật đã bộc lộ sự chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Mặc dù đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện luật được ban hành (trên 40 văn bản) nhưng vẫn còn chưa đầy đủ, chất lượng một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn hạn chế, chưa rõ ràng, cụ thể.

Một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng cao như tài chính, ngân hàng… nhưng không có tổ chức giam định đầu mối chuyên trách dẫn đến việc trưng cầu gặp khó khăn. Từ đó đặt ra đề xuất sửa đổi, bổ sung luật là yêu cầu tất yếu và cần thiết.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, hội nghị chính là “nguyên liệu” đầu vào để sửa luật trong thời gian tới. Bộ trưởng đề nghị các bộ Công an, Y tế, Quốc phòng tiếp tục quan tâm, thực hiện các đề án về giám định; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giám định viên.

Nguyễn Hương
.
.
.