Hội thảo khoa học cấp Quốc gia 40 năm chiến thắng biên giới Tây Nam

Thứ Sáu, 28/12/2018, 19:05
Chiều 28-12, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ An Giang tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07-01-1979 – 07-01-2019).

Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh An Giang cùng hơn 500 CBSC, lực lượng vũ trang, các đồng chí lão thành cách mạng tham dự.

Hội thảo đã thu hút gần 90 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học quân sự, những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ, đồng thời cũng là dịp chúng ta tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do và cuộc sống yên bình cho hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Đại biểu tham dự hội thảo

Cách đây tròn 40 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đứng lên trừng trị bàn tay tội ác của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.

Chỉ trong vòng gần bốn năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát gần ba triệu người dân Campuchia, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất - xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong.

Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta.

Đi đến đâu chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tại An Giang, trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18-30-4-1978, chúng đã giết chết 3.157 thường dân tại xã Ba Chúc, nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

GS.TS Võ Văn Sen, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Dưới chế độ Pôn Pốt, Campuchia là một đất nước đầy tang tóc, bị biến thành một lò sát sinh khổng lồ, kinh khủng nhất trong thế kỷ này và là một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt...”.

Trước hành động xâm lược và tội ác diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng; cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc tiến công, phản công đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7 tháng Giêng năm 1979.

Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó, biết bao CBCS Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần máu, thịt của mình trên các chiến trường. Sự giúp đỡ bằng xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Campuchia sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy trung, trong sáng giữa hai dân tộc.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị với Nhà nước Campuchia Dân chủ, nhưng chúng ta càng kiềm chế, thì tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari càng lấn tới, chúng ta buộc phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng là đứng lên chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng với quân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng....

Nhà mồ Ba Chúc ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang – chứng tích tội ác diệt chủng của Pôn Pốt Iêng-Xari.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Trước hành động xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng, cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc phản công, tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7-1-1979; trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình trên các chiến trường.

Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định: “Sự giúp đỡ bằng xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Campuchia sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thuỷ trung, trong sáng giữa hai dân tộc....”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: “Sự hy sinh xương máu, thái độ chí tình, chí nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia ca ngợi, tôn vinh.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đưa ra dẫn chứng, “Ngài Chhay Yi Heang, cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia viết: Chế độ diệt chủng Pôn Pốt không phải chỉ là kẻ thù của nhân dân Campuchia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khoải thảm hoạ diệt chủng Pôn Pốt và hồ sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX.”

Kết quả của hội thảo lần này góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự chủ và khát vọng hòa bình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Trần Lĩnh
.
.
.