Hội thảo ARF lần ba về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982
- Quốc hội chính thức thông qua Luật Biên phòng Việt Nam
- Chuyên gia quốc tế thảo luận về Công ước Luật biển 1982 tại Việt Nam
Chiều ngày 1/6/2021, Hội thảo lần thứ 3 của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi trên biển đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, phối hợp với Bộ Ngoại giao các nước Ấn Độ, Australia, Canada và Liên minh Châu Âu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo nằm trong các hoạt động triển khai Kế hoạch hành động Hà Nội II giai đoạn 2020-2025 và Tuyên bố ARF về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển, được thông qua năm 2016 theo sáng kiến của Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có khoảng 200 đại biểu từ 27 nước ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan đến việc thực thi Công ước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội thảo. |
Tiếp nối thành công của hai kỳ Hội thảo trước được tổ chức tại Nha Trang và Hà Nội trong năm 2019, Hội thảo lần này tạo diễn đàn để các chuyên gia, học giả và quan chức các nước thành viên ARF trao đổi, thảo luận cụ thể hơn về phương hướng hợp tác nhằm giải quyết các thách thức trong quản lý biển tại khu vực, trên cơ sở vận dụng và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các văn kiện quốc tế liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu khẳng định vai trò quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 như “Hiến pháp” của đại dương, là khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các thách thức trên biển trong khu vực, bao gồm các thách thức mới nổi lên sau khi Công ước được thông qua.
Quang cảnh hội thảo. |
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh mọi tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; hợp tác thiện chí, trên cơ sở Công ước, sẽ góp phần tăng cường niềm tin giữa các bên, thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Trên tinh thần này, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các kinh nghiệm và thực tiễn tốt về hợp tác biển thời gian qua, đưa ra khuyến nghị cho hợp tác biển thời gian tới.
Đồng tình với phát biểu của phía Việt Nam, các đồng chủ toạ là Đại sứ Canada và Đại sứ Australia cũng nhấn mạnh vai trò, giá trị của Công ước Luật Biển và cảm ơn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức chuỗi Hội thảo này. Đại sứ Canada chia sẻ về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực của các quốc gia trong việc quản lý và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là nền tảng pháp lý quan trọng cho hợp tác trong khu vực. Các nước trong khu vực cần chung tay bảo vệ môi trường và sinh vật biển, quản lý nghề cá bền vững, hợp tác tìm kiếm cứu nạn.
Trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu khả năng xây dựng một văn kiện khu vực về đối xử nhân đạo với ngư dân, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến các đặc điểm của khu vực. Hợp tác không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước mà còn cần sự tham gia của các thực thể khác có liên quan trong khối tư nhân, các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Dự kiến trong ngày làm việc thứ hai, Hội thảo sẽ thảo luận về các giải pháp hợp tác để chống suy thoái môi trường và đa dạng sinh học biển, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định và rác thải nhựa trên biển. Đồng thời, các đại biểu cũng sẽ trao đổi về việc tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực, bao gồm hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Theo kế hoạch, Hội thảo lần này sẽ diễn ra trong 02 ngày 01-02/6/2021.