Hành trình sáng tạo Quốc huy Việt Nam

Thứ Tư, 02/09/2020, 07:20
Quốc huy Việt Nam - biểu tượng chính thức của Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một sản phẩm sáng tạo hội họa, biểu tượng cô đọng, đầy đủ, súc tích về đất nước và con người Việt Nam. Hành trình sáng tác, lựa chọn Quốc huy Việt Nam cũng là một câu chuyện đặc biệt về sự sáng tạo của của Họa sỹ tài danh Bùi Trang Chước (Nguyễn Văn Chước) cũng như sự gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật vô giá của tác giả, gia đình và cơ quan lưu trữ.


Biểu tượng thiêng liêng

Vào những ngày mùa Thu tháng Tám năm 2020, triển lãm "Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sỹ Bùi Trang Chước" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút khá nhiều khách tham quan. Công chúng quan tâm đến chặng đường ra đời Quốc huy Việt Nam - biểu tượng chính thức và thiêng liêng của đất nước ta.

Có thể nói, 200 hiện vật tại Triển lãm đã giúp công chúng hiểu khá kỹ về hành trình sáng tạo và lựa chọn Quốc huy Việt Nam, từ những nét vẽ sơ khai ban đầu cho đến khi được công nhận, sử dụng làm biểu tượng chính thức của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Lặng lẽ ngắm từng hiện vật, từng mẫu phác thảo trưng bày tại triển lãm, ông Nguyễn Văn Tuyên (SN 1948 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, ông rất xúc động khi đến triển lãm, được tận mắt thấy những bản vẽ mẫu Quốc huy qua từng mốc thời gian, đặc biệt, khi được đọc bản di bút do chính Họa sỹ Bùi Trang Chước viết, kể tường tận câu chuyện vẽ Quốc huy, ý nghĩa của từng biểu tượng trong Quốc huy. Cũng như nhiều người dân khác, đến giờ ông mới biết, hành trình sáng tác và lựa chọn Quốc huy Việt Nam lại đặc biệt đến thế... Cảm nhận của ông Tuyên cũng là cảm nhận chung của nhiều khách tham quan khác khi đến với triển lãm.

Trong triển lãm này, bên cạnh hơn 100 bản gốc vẽ chì, vẽ màu mẫu Quốc huy của Họa sỹ Bùi Trang Chước, công chúng tham quan triển lãm còn được chiêm ngưỡng các tác phẩm sáng tạo khác của Họa sỹ Bùi Trang Chước như: Mẫu vẽ con tem, mẫu vẽ tiền giấy, các mẫu huân, huy chương, mẫu bằng khen… Tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt và độc đáo cả về đề tài, nội dung, hình thức, là minh chứng về quá trình lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc của tác giả, Họa sỹ Bùi Trang Chước.

Câu chuyện về Quốc huy Việt Nam bắt đầu từ những năm 1950, khi một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có Công văn gửi Ban Thường vụ Quốc hội về việc sáng tác Quốc huy.

Các mẫu Quốc huy trưng bày tại triển lãm “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sỹ Bùi Trang Chước”, ngày 25/8/2020. Ảnh: TTXVN

Năm 1951, cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy đã được phát động và thu hút đông đảo họa sỹ trên cả nước tham gia. Họa sỹ Bùi Trang Chước đã có một hành trình sáng tạo đầy ấn tượng với 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chi tiết. Trong đó, 15 bản phác thảo mẫu Quốc huy của họa sỹ đã được Ban Mỹ thuật chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ.

Bản di bút "Tôi vẽ mẫu Quốc huy" của họa sỹ viết ngày 26/4/1985 đã kể rất cụ thể về hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy. Ông viết: "Năm 1953, nhân dịp Nhà in Bộ Tài chính biệt phái tôi một thời gian để vẽ mẫu bằng và huân chương cho Chính phủ, đồng chí Trịnh Xuân Côn, Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng phụ trách bộ phận huân chương, đã đưa cho tôi một số mẫu quốc huy của các nước xã hội chủ nghĩa làm tài liệu tham khảo để tôi phác thảo mẫu quốc huy của ta.

Qua nghiên cứu quốc huy của bạn, đều dùng những bông lúa hoặc liềm, búa hay bánh xe để tượng trưng cho công - nông nghiệp. Về nội dung bên trong dùng hình tượng mang đặc điểm của đất nước, dân tộc mình. Dựa trên những gợi ý đó, tôi phác thảo một số mẫu về hình dáng khác nhau, cũng dùng những bông lúa Việt Nam và các đe hoặc bánh xe, tượng trưng cho công, nông nghiệp.

Về nội dung bên trong, tôi dùng hình tượng cây tre hoặc con trâu. Song thấy cây tre con trâu ở một số nước Á đông khác cũng có, tôi lại dùng địa danh lịch sử như: Đền Hùng, Gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng hoặc Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Tháp Rùa… Nhưng tôi thấy các phác thảo đó về hình dáng còn rắc rối, cầu kỳ và nội dung cũng chưa được ổn…

Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp, dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời, có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh. Toàn bộ Quốc huy tôi dùng hai màu vàng và đỏ. Khi thực hiện sơn mài là sơn son thiếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của ta hay dùng. Các mẫu này sau đó được trình Bác Hồ, Bác chọn góp ý: Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại"...

Sau khi chỉnh sửa theo góp ý của Bác Hồ, trong Di bút của mình, Họa sỹ Bùi Trang Chước viết: "Mẫu Quốc huy lần này tôi cũng vẽ hình tròn, chung quanh hai bên có thêm những bông lúa kéo dài lên trên tiếp giáp với nhau ở đỉnh trục đường vòng tròn, hai bên vẫn giữ những bông lúa rủ xuống vào trong ôm lấy bánh xe thay cho cái đe, ở phía dưới, dải lụa ở giữa có chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", hai đầu dải lụa vẫn quấn lên các bông lúa mỗi bên hai đoạn, gốc các bông lúa bắt chéo nhau tạo thành đế Quốc huy thót hai đầu cho gọn. Phía bên trong nền là ngôi sao, dưới ngôi sao để trống cho thoáng, không có mặt trời và tia chiếu sáng chung quanh. Về màu sắc, riêng nền bên trong Quốc huy và giải lụa là màu đỏ, còn các hoạ tiết khác như các bông lúa, ngôi sao và bánh xe đều là màu vàng"...

Mẫu Quốc huy này của Họa sỹ Bùi Trang Chước được Trung ương duyệt và có ý kiến chỉ đạo chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Khi đó, Họa sỹ Bùi Trang Chước nhận nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ là vẽ và in tiền, do vậy, việc chỉnh sửa một vài chi tiết đã được giao cho Họa sỹ Trần Văn Cẩn thực hiện. Đến ngày 14/1/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 254-SL về việc ban bố mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kèm theo đó là Phụ lục số 1, 2 in mẫu vẽ Quốc huy có tô màu vàng kim nhũ và Quốc huy không tô màu.

Kỳ tài của nghệ thuật hội họa

Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh ngày 21/5/1915, tại thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 1936-1941. Ông là một trong những người vẽ tem bưu chính đầu tiên ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Bà Bùi Minh Thủy, con gái Họa sỹ Bùi Trang Chước nhớ lại: Năm 1944, Đô đốc Decoux quyết định cho Đông Dương phát hành loại tem mới có giá trị nghệ thuật cao. Các mẫu tem này được Họa sỹ Bùi Trang Chước thực hiện. Đó là các mẫu tem Nam Giao, Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, hội chợ Sài Gòn, Nhà vua Sihanouk... với nhiều mẫu và mệnh giá khác nhau. Trước đó, việc thiết kế tem hầu như chỉ dành riêng cho các họa sỹ Pháp, hiếm hoi lắm mới có một vài mẫu của họa sỹ Việt được chọn như mẫu của Họa sỹ Tôn Thất Sa và Họa sỹ Nguyễn Đình Chi (người Huế).

Sau Cách mạng Tháng Tám, Họa sỹ Bùi Trang Chước tham gia kháng chiến và giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Do có biệt tài về đồ họa, ông được tham gia vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng và sáng tác mẫu bằng khen, huân, huy chương cho Chính phủ. Ông chính là tác giả của Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công các loại. Đặc biệt, ông cũng là tác giả bức phù điêu hình Bác Hồ được đúc bằng vàng mà Phi công Phạm Tuân mang theo khi bay vào vũ trụ. Đây cũng là mẫu huy hiệu Bác Hồ được sử dụng hiện nay.

Họa sỹ Bùi Trang Chước đã sáng tác nhiều tem thư, tiền, biểu trưng như: Biểu trưng Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); biểu trưng Ngày Thương binh Liệt sỹ; biểu trưng Xưởng Phim Việt Nam… Ông còn là tác giả của nhiều bộ tem quý như: "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" năm 1951, bộ tem "Chiến thắng Điện Biên Phủ" năm 1954. Từ năm 1955, ông tiếp tục cho ra đời các bộ tem "Cải cách ruộng đất", "Mừng Chính phủ về Thủ đô", "Anh hùng Cù Chính Lan", "Anh hùng Mạc Thị Bưởi"... Họa sỹ Bùi Trang Chước để lại nhiều tác phẩm hội họa có giá trị với các chất liệu phong phú, đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một điều mọi người dân ít được biết là mặt tiền trang trí Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là một tác phẩm của ông.

Trong giới mỹ thuật, Họa sỹ Bùi Trang Chước được đánh giá là một họa sỹ tài năng của nền hội họa, một bậc thầy trong nghệ thuật đồ họa Việt Nam. Trong đó, mẫu Quốc huy Việt Nam là tác phẩm đỉnh cao và tiêu biểu nhất của ông.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh: Quốc huy Việt Nam không chỉ là biểu tượng cô đọng, đầy đủ và súc tích về đất nước, con người Việt Nam mà còn hàm chứa khát vọng tha thiết về sự phát triển đất nước của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia độc lập. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao to lớn của Họa sỹ Bùi Trang Chước.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, nhìn vào những bản thảo mà Họa sỹ Bùi Trang Chước để lại, có thể thấy ông là một họa sỹ tài năng; toát lên phẩm cách cao đẹp của một người họa sỹ tài hoa, cả một đời cống hiến thầm lặng, hết mình cho đất nước và dân tộc.

"Ngoài tài năng, phẩm cách cao đẹp, chúng ta còn thấy ở ông sự sáng tạo, sáng tạo không ngừng cho đến phút cuối cùng. Đây là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo. Và ông xứng đáng được trao tặng giải thưởng cao quý về những đóng góp cho đất nước", Họa sỹ Lương Xuân Đoàn nói.

Họa sỹ Bùi Trang Chước đã đi xa, nhưng mỗi khi nhìn đến Quốc huy - biểu tượng thiêng liêng, cao quý của dân tộc, chúng ta lại nhớ đến những cống hiến của ông cho đất nước, cho dân tộc. Ông đã được trao tặng nhiều phần thưởng xứng đáng. 

Tới đây, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ cùng gia đình chuẩn bị hồ sơ, đề nghị Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho Họa sỹ Bùi Trang Chước.

P. Lan
.
.
.