Hà Nội “thay áo” mới sau mười năm mở rộng địa giới hành chính

Chủ Nhật, 02/09/2018, 05:53
Cuối tháng 5-2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.

Ngày 1-8-2008, Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính bằng việc hợp nhất Hà Nội cũ với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người. Sau 10 năm, diện mạo của Hà Nội đã có những thay đổi đáng ngạc nhiên.

Kinh tế tăng trưởng ngoạn mục

Trong 10 năm 2008 - 2018, kinh tế Hà Nội tăng trưởng bình quân 7,41%/năm, gấp gần 1,3 lần mức tăng bình quân chung cả nước là 6%; Quy mô GRDP năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người theo đó tăng lên, năm 2017 đạt 86 triệu đồng (khoảng 3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với 1.697 USD/người vào năm 2008. Đặc biệt, thu nhập của người nông dân đã tăng từ 13 triệu lên 38 triệu đồng/người/năm (khoảng 2,92 lần)...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, tổng mức bán lẻ tăng từ 132.837 tỷ lên 288.955 tỷ đồng (2,18 lần); kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,9 tỷ USD lên 11,78 tỷ USD (1,7 lần). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển.

Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng xấp xỉ 4 lần). Thị phần khách quốc tế tăng lên chiếm xấp xỉ 40% lượng khách cả nước. Hà Nội tiếp tục khẳng định là trung tâm du lịch, là nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc, cầu nối đưa khách du lịch trong ASEAN và các nước trong khu vực.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khả quan, đặc biệt nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, 7 tháng đầu năm 2018, Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước về FDI. Số DN trên địa bàn không ngừng tăng lên. Tín dụng tăng trưởng tốt, bình quân hàng năm đạt khoảng 21,7%. Thu ngân sách giai đoạn 2008 - 2017 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân hàng năm tăng 12,69%/năm. Năm 2017, thu ngân sách ước thực hiện 212.276 tỷ đồng, gấp 2,93 lần năm 2008. Cân đối ngân sách luôn đảm bảo theo dự toán Trung ương và HĐND TP giao, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đặc biệt, các chính sách, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% đầu năm 2009 xuống còn 1,69% cuối năm 2017; hiện nay trên địa bàn không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. GD&ĐT được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững.

Trong 10 năm qua, hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương với nhau. 6 tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô. Khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: vành đai 1, vành đai 2 và một số đoạn tuyến của vành đai 2,5 cùng vành đai 3 và 3,5... được tích cực triển khai xây dựng; Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng; đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT...

Ngoài ra, thành phố đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng như các tuyến đường sắt đô thị: số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông), số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long); cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)...

Tòa nhà Keangnam Hanoi nằm ở phía Tây của thủ đô (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành được 223km đường xây mới; tổ chức xây dựng và hoàn thành 3 cây cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Vĩnh Thịnh; xây mới 9 cầu vượt nhẹ trực thông tại các “điểm đen” ùn tắc giao thông như cầu vượt nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng; cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Thái Hà; nút giao Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt; Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã…; xây mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới và 68 hầm chui dân sinh. Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% - dẫn đầu cả nước, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Hà Nội đã thực hiện thành công mục tiêu tổng quát sau 10 năm

Không chỉ là trung tâm chính trị, mà Hà Nội thực sự là một đầu tàu kinh tế rất hùng mạnh, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Cũng lưu ý là mức độ chênh lệch giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ít hơn lúc mới mở rộng. Cùng với đó là mức độ cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt ở vùng xa trung tâm, càng rõ nét. An ninh, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng... lĩnh vực nào cũng có những bước phát triển rất rõ.

Trước những ý kiến hoài nghi, cho rằng nếu không sáp nhập, có thể Hà Nội sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định: “Nếu xét mục tiêu gần 10 - 15 năm, thì tốc độ phát triển về mặt kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của Hà Nội không mở rộng có thể sẽ nhanh hơn, có những bước tiến dài hơn. Nhưng nếu xét về lâu dài, sau 20 năm và lâu hơn nữa, không mở rộng thì Hà Nội không có nguồn lực cần thiết để phát triển, đặc biệt là nguồn lực về không gian, đất đai, quy hoạch, con người, sự bổ sung giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn...”.

Đồng chí Phạm Quang Nghị so sánh, cứ hình dung một gia đình ăn nên làm ra, có tiền gửi ngân hàng, nhưng ra vào một ngôi nhà chật chội. “Sự bó hẹp về không gian gây mất cân đối rất nhiều thứ: quy hoạch giao thông, mật độ dân cư, chuyển dịch các yếu tố phát triển của Thủ đô. Ví dụ, muốn di dời nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm, công nghệ cũ ra ngoài thì đưa đi đâu? Đưa về Hà Tây thì không được, vì đấy là một tỉnh khác rồi. Chưa nói là trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan của Trung ương...

Ở thời điểm này, sau 10 năm hợp nhất thì chủ trương là đúng và việc tổ chức thực hiện quyết định này là tốt. Còn 20 năm và lâu hơn nữa, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, tôi không dám khẳng định cho tương lai lâu dài”, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội đánh giá.

Ngọc Yến
.
.
.