Hà Nội cam kết cắt giảm thủ tục hành chính, kêu gọi đầu tư
- 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội nghị đầu tư Hà Nội
- Cục Thuế Hà Nội động viên các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp
- Hà Nội sẽ chỉ có cảng hàng không quốc tế duy nhất Nội Bài
Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP Hà Nội, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đây là hội nghị với doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội, nhằm thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hà Nội cần cầu thị chấp nhận cái mới
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “Qua quan sát mấy tháng qua, tôi thấy sự chuyển động của Hà Nội là đúng hướng, là rất tích cực. Chúng ta thấy được sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”.
Tin tưởng Hà Nội sẽ có chuyển biến nhanh chóng, đúng hướng, xứng đáng với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
Muốn như vậy, chính quyền TP phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính. Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng những lợi thế sẵn có. Nếu Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt để hình thành liên kết vùng và giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết đó thì có thể làm đề án đề xuất với Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân.
Phát biểu với đại diện doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết của TP về xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết từ yêu cầu và nhiệm vụ đầy thách thức của giai đoạn 2016-2020, Thành phố cần huy động khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách chiếm khoảng 20%; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết ngay từ tháng 6-2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng; cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư; duy trì tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%; nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%.
Tại hội nghị, ông Chung giới thiệu danh mục các dự án mời gọi đầu tư vào Thành phố giai đoạn 2016-2020, gồm 52 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) với tổng vốn hơn 338.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD); 43 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng vốn hơn 372.000 tỷ đồng (khoảng 17,5 tỷ USD). Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch; rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21-26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với quy định.
Trong dịp này, UBND TP. Hà Nội ký 8 biên bản ghi nhớ, hợp tác với 7 tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư và ký biên bản ghi nhớ triển khai 7 chương trình an sinh xã hội với 16 đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, TP. Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 nhà đầu tư, với 16 dự án có vốn đầu tư trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: Viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.