Giữ rừng và đảm bảo an ninh nguồn nước
- Đức tài trợ 1,5 triệu Euro giúp Việt Nam bảo vệ nguồn nước ngầm
- Việt Nam đối mặt với thách thức về an ninh nguồn nước
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đưa ra, trong những qua hạn hán xảy ra rất gay gắt ở khu vực Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016, lượng mưa trên toàn vùng giảm khoảng 40% so với cùng kỳ, mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 15-35%, trên 35% số sông, suối và 40% số hồ nhỏ kiệt nước; nhiều dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20-70%, có nơi trên 90%, đặc biệt trên sông Đắk Bla tại Kon Tum mực nước đạt thấp nhất lịch sử.
Tính đến tháng 6-2016, toàn vùng Tây Nguyên đã có 179.589 ha cây trồng bị hạn hán, ước tổng thiệt hại khoảng 5.431 tỷ đồng. Toàn vùng đã có 69.919 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Một số địa phương thiếu nước sinh hoạt xảy ra gay gắt, người dân phải mua nước sinh hoạt từ các dịch vụ với giá từ 60.000-80.000 đồng/m3...
Ngăn dòng thủy điện sẽ giết chết sông Ba. |
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng: Hạn hán ở vùng Tây Nguyên một phần là do mất rừng dẫn đến hạn hán, lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Hệ quả là Tây Nguyên mâu thuẫn trong trách nhiệm quản lý nước, mâu thuẫn giữa các ngành dùng nước, mâu thuẫn giữa các địa phương trong Tây Nguyên… Đặc biệt việc phát triển thủy điện ồ ạt trong những năm qua cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc an ninh nguồn nước vùng Tây Nguyên.
Thực tế, việc phát triển thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh của Sê San và Sêrêpôk đã và đang tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, nguồn lợi thủy sản tự nhiên, sinh kế người dân. Cùng với thủy điện, việc mở rộng diện tích cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều... tại khu vực Tây Nguyên dẫn đến khai phá đất rừng bừa bãi, làm cho nguồn nước ngầm tại khu vực này đang trong tình trạng kiệt quệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.