Giám đốc Sở nhận lỗi chậm hoàn thiện quy hoạch phân khu sông Hồng
Cụ thể, đại biểu Trần Việt Anh đặt câu hỏi, đến nay, Quy hoạch (QH) phân khu sông Hồng, sông Đuống và phân khu H1 trên địa bàn thành phố còn chậm, trách nhiệm thuộc về ai? Đại biểu Hoàng Thuý Hằng đặt câu hỏi, hiện nay, công tác lập quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường mới mở còn thiếu thực tế, nhiều quy hoạch chưa được phê duyệt, nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về cấp, ngành nào? Sở QH-KT có giải pháp nào cho vấn đề này?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc sở QH-KT cho biết, quy hoạch phân khu sông Hồng được lập 3 năm sau Quy hoạch phòng lũ sông Hồng - Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cho Hà Nội một hành lang pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, theo ông Trúc Anh, quy hoạch lại gặp vướng mắc ở chỗ, Luật 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2019 lại chưa rõ ràng về thẩm quyền thẩm định quy hoạch như thế nào.
Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trả lời chất vấn. |
Theo quy định, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã triển khai xây dựng QH sông Hồng và sông Đuống, đã rà soát, thực hiện các bước nhưng lại vướng bởi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nắm toàn bộ các công trình ngoài đê, Viện Quy hoạch Xây dựng đang xin ý kiến của Bộ NN&PTNT. Hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa thống nhất về vấn đề đê bối.
Tới đây, Sở NN&PTNT và Sở QH-KT sẽ kết hợp chặt chẽ; làm việc với Bộ NN&PTNT để hoàn thiện 2 quy hoạch phân khu ngoài đê. Ngoài ra, quy hoạch phân khu H1 (Phân khu H1 - A, B, C là khu vực quận Hoàn Kiếm, H1-2 là QH của quận Ba Đình, khu H1-3 là quận Đống Đa, H1-4 là quận Hai Bà Trưng) cũng chưa thể phê duyệt do vướng mắc.
Quy hoạch (QH) phân khu sông Hồng, sông Đuống và phân khu H1 đều chậm. |
Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cũng cho biết, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh, trong đó đô thị Hoà Lạc là lớn nhất, được xếp hạng đô thị loại 1. Tất cả 5 đô thị này hiện chỉ có Hoà Lạc đã được Bộ Xây dựng chấp thuận là đủ điều kiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cố gắng trong tháng 12-2019 này sẽ thông qua.
Các đô thị còn lại đang triển khai phân khu, như quy hoạch đô thị Sơn Tây do Tập đoàn T&T nghiên cứu lập quy hoạch, dự kiến 10-1-2020 sẽ báo cáo xong ý tưởng QH 1/500. Ông Trúc Anh khẳng định, nếu tới thời hạn trên, Tập đoàn T&T không thực hiện được sẽ giao lại cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện theo kế hoạch. Còn đô thị Sóc Sơn do Tập đoàn BRG thực hiện nghiên cứu QH, dự kiến báo cáo vào quý 1-2020.
Với quy hoạch đô thị Phú Xuyên và Xuân Mai đã ở mức trình duyệt và phê duyệt, hiện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang chỉnh sửa và sẽ trình UBND TP Hà Nội trong quý 1-2020.
Trước phần trả lời của Giám đốc Sở QH-KT, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, câu trả lời của ông Trúc Anh chưa đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu, do chưa nêu rõ các nguyên nhân chủ quan. Các nội dung quy hoạch đô thị vệ tinh đã được phê duyệt từ năm 2015, theo quy định chỉ có 9 tháng để lập quy hoạch phân khu, đến nay đã kéo dài 5 năm, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trúc Anh cho hay, trách nhiệm về công tác lựa chọn tư vấn, ví dụ như đô thị vệ tinh Sơn Tây (6 phường), được giao cho Tập đoàn T&T lập quy hoạch, thị xã Sơn Tây là chủ đầu tư. Sở đã hướng dẫn nhiều nhưng không lập nổi quy hoạch. Để lập quy hoạch cần ít nhất 12 chuyên ngành sâu, các tư vấn ngoài hầu như không đáp ứng được. Cơ sở dữ liệu đầu vào lại càng ít đơn vị đủ điều kiện đáp ứng.
“Quá trình tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm của Viện, Sở và Thị xã Sơn Tây. Tôi nhận lỗi là có những đồ án Sở đã hướng dẫn đến 3, 4 lần mà đơn vị lập vẫn không hiểu được, đây là do hướng dẫn không cụ thể”, ông Nguyễn Trúc Anh thừa nhận. Hơn nữa, theo ông Trúc Anh, quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư, khâu này cũng gặp không ít khó khăn, nhiều đơn vị không thực hiện được do hướng dẫn về lấy ý kiến chưa được cụ thể.
Chưa đồng tình với câu trả lời của Giám đốc Sở QH-KT, đại biểu Hoàng Thuý Hằng tiếp tục chất vấn, việc lập quy hoạch theo lý giải là chỉ với các tuyến đường cần thiết, vậy tiêu chí nào để phân loại là cần thiết hay không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết, đối với khu vực mới mở, quỹ đất còn nhiều, thì mới lập quy hoạch chi tiết. Đối với các tuyến đường người dân đã ở ổn định hai bên thì khó thực hiện và nên mạnh dạn loại bỏ quy hoạch và dùng các công cụ khác để quản lý.