Giữ nguyên phạm vi “dự án quy hoạch sông Hồng”

Thứ Ba, 07/07/2009, 11:05
Sau khi Hà Nội được mở rộng, dư luận đang quan tâm đến việc có mở rộng phạm vi của dự án quy hoạch sông Hồng đoạn qua Hà Nội vì sông Hồng qua Hà Nội giờ đã tăng lên hàng trăm km hay không. Trả lời câu hỏi này, ông Tô Anh Tuấn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, thành phố đề nghị được giữ nguyên phạm vi đã xác lập (40km) nghĩa là chỉ trong Hà Nội trước khi mở rộng.

Hội nghị lần thứ 16, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 6/7, được dành cả buổi chiều để lãnh đạo Thành ủy và UBND TP nghe báo cáo về tiến độ triển khai lập quy hoạch sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

Một trong 4 phối cảnh dự án quy hoạch sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc đã thống nhất xúc tiến nâng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ "đối tác hợp tác toàn diện" lên thành "đối tác chiến lược".

Theo ông Tô Anh Tuấn, đây là yếu tố thuận lợi mới, song cũng đặt ra những đòi hỏi mới đối với dự án phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, trong đó, dự án Lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội là dự án thành phần đầu tiên, có ý nghĩa cơ sở nền tảng.

Sau khi Hà Nội được mở rộng, dư luận đang quan tâm đến việc có mở rộng phạm vi của dự án vì sông Hồng qua Hà Nội giờ đã tăng lên hàng trăm km hay không. Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho biết, thành phố đề nghị được giữ nguyên phạm vi đã xác lập (40km) nghĩa là chỉ trong Hà Nội trước khi mở rộng. Việc quy hoạch toàn bộ tuyến sông Đà - sông Hồng tiếp giáp và chảy qua Hà Nội với chiều dài 180 km sẽ được giải quyết trong một dự án khác.

Dự kiến, TP Hà Nội sẽ thảo luận và ký thỏa thuận chính thức với TP Seoul về tiếp tục hợp tác sau khi lập quy hoạch cơ bản để thực hiện giai đoạn II của dự án. Trong giai đoạn II, sau khi báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP, Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô, quy hoạch sông Hồng sẽ được hoàn chỉnh và trình Hội đồng thẩm định quốc gia. Sau khi tiếp thu, điều chỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, quy hoạch sông Hồng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội thông qua (nếu các quy định hiện hành yêu cầu).

Thành phố đề xuất Thủ tướng phê duyệt về nguyên tắc những nội dung chính của quy hoạch, đồng thời ủy quyền cho Bộ chuyên ngành và Hà Nội phê duyệt nội dung cụ thể. Thành phố sẽ công bố công khai quy hoạch sau khi được duyệt theo quy định.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu rõ mục tiêu quan trọng của Dự án là phải bảo đảm an toàn về lũ, phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đô thị; đồng thời đây là cơ hội cho Thủ đô phát triển đồng bộ khu vực hai bên sông Hồng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có không gian cây xanh, mặt nước, tôn thêm vẻ đẹp và diện mạo mới của Thủ đô, xứng tầm với đất nước 100 triệu dân trong những năm sắp tới.

Bí thư Thành ủy yêu cầu cần nghiên cứu quy hoạch đô thị khu vực dân cư đã có ven sông theo hướng vừa đan xen cải tạo, vừa giải tỏa, xây dựng lại; xem xét cụ thể khả năng giữ lại những di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề và những điểm dân cư phù hợp với quy hoạch nhằm giảm bớt số hộ dân phải di dời, đền bù, giảm chi phí đầu tư; tạo sự đồng thuận xã hội; góp phần ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo tính khả thi cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án.

Dự án Quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội dự kiến có vốn đầu tư trên 7 tỷ USD và phải di dời 39.100 hộ (170.000 dân). Sau khi hoàn thành, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian chính của thành phố Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông.

Sau 12 tháng triển lãm Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, đã có 1.359/18.000 người tới xem tham gia trả lời phiếu thăm dò ý kiến. Thống kê cho thấy, tuyệt đại đa số người trả lời phiếu là người Hà Nội, với 53,2% ở trong khu vực dự án.

Kết quả, có 37,8% người trả lời phiếu đồng ý toàn bộ dự án; 30,5% đồng ý hầu hết thành phần dự án và 27% chỉ đồng ý một phần dự án. Chỉ có 4,6% không đồng ý triển khai dự án. Lý do không đồng tình tập trung vào tính khả thi của dự án, ảnh hưởng của việc di dân quy mô lớn, phương án trị thủy, ảnh hưởng về môi trường, văn hóa...

N.Yến
.
.
.