Giảm Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thì riêng việc đi họp đã rất thiếu người

Thứ Sáu, 25/10/2019, 10:54

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu quan điểm khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sáng nay, 25-10.



Hai luồng ý kiến về giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau.

Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh... Do đó dự thảo luật đưa ra hai phương án, phương án một giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có hai Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

ĐBQH Trần Thị Hằng

Phương án hai quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có hai đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí hai Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Thảo luận tại phiên họp về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị thực hiện theo phương án 2, quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu chuyên trách. “Vì hiện nay chúng ta hướng phân cấp phân quyền mạnh cho cơ sở nên công việc thời gian tới sẽ nhiều hơn, vai trò của thường trực HĐND và các ban sẽ nhiều hơn trong thực hiện nhiệm vụ, do đó cần phải có cán bộ chuyên trách đủ mạnh, đảm bảo chất lượng”, ông phân tích.

Trong khi đó, ĐBQH Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) lại chọn phương án 1 vì theo bà, Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, 2 Phó Chủ tịch HĐND, các Uỷ viên là Trưởng ban của HĐND tỉnh. Chủ tịch HĐND tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách.

Theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, trong nhiệm vụ HĐND tỉnh có nhiệm vụ của thường trực HĐND tỉnh (10 nhóm nhiệm vụ) và là cơ quan ban hành chính sách. Nhiều đại biểu cũng phân tích số lượng lớn công việc mà HĐND tỉnh và thường trực HĐND tỉnh phải thực hiện. Với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới và phân cấp tức là phân quyền.

ĐBQH Trần Văn Mão

“Do đó tăng cường giám sát là hết sức cần thiết, quy định theo phương án 1 là đảm bảo tính bao quát và xác định cụ thể số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Còn nếu theo phương án 2 thì hai trường hợp xảy ra. Nếu Chủ tịch HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp rất thiếu người. Trong luật cũng không nên đưa ra các phương án “nếu – thì” mà cần đưa ra phương án luôn, xác định rõ số lượng”, đại biểu Trần Thị Hằng nhấn mạnh.

Đồng tình ý kiến này, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, nếu giữ nguyên như luật hiện hành sẽ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ như Hiến pháp quy định. Mặt khác có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, không làm tăng thêm biên chế vì thực chất nâng từ chức danh thường trực HĐND. Theo ông, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới thực hiện hơn 3 năm chưa có tổng kết, đánh giá mà sửa đổi sẽ làm xáo trộn mô hình HĐND cấp tỉnh...

Đồng tình hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, nhiều ý kiến thống nhất chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Toàn cảnh hội trường

Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm, vì vậy, nếu Luật Tổ chức chính quyền địa phương không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại ba văn phòng. “Như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các Văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tuy nhiên qua thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ đồng tình với phương án hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND và giữ nguyên Văn phòng UBND. Vì việc hợp nhất các văn phòng chỉ mang tính cơ học, không phát huy được hiệu quả của các văn phòng vì tính chất đặc thù của mỗi văn phòng là khác nhau. Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND là cơ quan dân cử, có cùng tính chất, phương thức hoạt động, trong khi văn phòng UBND là cơ quan hành chính nhà nước có tính chất hoạt động khác hẳn.

“Vấn đề này tôi thống nhất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là sau khi kết thúc thí điểm sẽ có chấn chỉnh phù hợp thực tế của các văn phòng”, ông nói.

ĐBQH Trần Thị Hằng cũng đồng tình vơi quan điểm này, trước mắt nên sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND, còn giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh...


A.Quỳnh - T.Minh
.
.
.