Giải pháp ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông
Hàng xóm “bắt nạt”
Hãng tin Malay Mall ngày 9-9 đưa tin, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc của Ngoại trưởng Datuk Saifddin Abdullah. Lịch trình hoạt động 5 ngày của ông khá dày đặc, bao gồm một loạt cuộc gặp tại Thủ đô Bắc Kinh, Thâm Quyến, Nam Ninh.
"Tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Malaysia đến chào Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và đối thoại song phương với người đồng cấp Vương Nghị. Ông Datuk Saifđin Abdullah cũng đến thăm trụ sở Tập đoàn công nghệ Huawei và Tencent, khu công nghiệp Trung Quốc-Malaysia ở Nam Ninh và gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Quảng Tây...
Một tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam hồi năm 2014. Ảnh: VNA |
Chuyến thăm thể hiện cam kết rõ ràng của Malaysia về việc mở rộng và tăng cường hơn nữa sự hợp tác song phương vốn đã mạnh mẽ và toàn diện với Trung Quốc. Cả hai bên sẽ nắm bắt được tiến trình của những nỗ lực đang diễn ra và khám phá những sáng kiến mới, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng và các công nghệ tiên tiến mới, cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề chung của khu vực và quốc tế hiện nay", thông cáo của Bộ Ngoại giao Malaysia có đoạn viết.
Hãng tin South China Morning Post thì cho hay, trong 10 năm liên tiếp, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia. Năm ngoái, tổng giao dịch giữa hai nước được ghi nhận ở mức 13,81 tỷ RM (tương đương 77,72 tỷ USD), tăng 8,1% so với năm 2017.
Nhưng "chuyến đi của ông Datuk Saifđin Abdullah lần này là theo lời mời của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và chỉ diễn ra một tuần sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi sự kiềm chế giữa các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông. Do đó, Biển Đông đứng đầu chương trình nghị sự của hai Bộ trưởng Ngoại giao.
Một số nguồn tin cho hay, đây có thể là cuộc gặp chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo về COC giữa Trung Quốc và ASEAN", South China Morning Post đưa tin. Cũng theo tờ báo này, trong cuộc họp ngày 12-9, hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Malaysia đã đồng thiết lập một cơ chế đối thoại chung cho vấn đề Biển Đông.
Bình luận về chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Malaysia, tờ Malay Mall cho rằng, vào thời điểm hiện nay, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông ngày càng gia tăng. Bắc Kinh liên tục có những hành động đơn phương nhằm hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" trên Biển Đông.
Vì thế, nếu thiết lập cơ chế tham vấn song phương thì cần phải để cơ chế này phát huy tác dụng một cách triệt để và kết hợp cơ chế song phương với đa phương. Nhấn mạnh hơn về động thái hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, nhà báo Rudroneel Ghoshthuộc tờ The Times of India của Ấn Độ khẳng định: "Vì Trung Quốc ngày nay là quốc gia lớn nhất và hùng mạnh nhất trong khu vực, nên họ nghĩ rằng họ muốn làm gì cũng được.
Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ phản tác dụng. Mọi hành động đều có phản ứng khác nhau; các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như các quốc gia có lợi ích ở khu vực này chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Trên thực tế, Bắc Kinh đang “mời gọi" các nước chống lại họ, và điều này không mang lại lợi ích cho Trung Quốc".
Lấy ví dụ cụ thể hơn về tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và đoàn tàu hộ tống đã cố gắng làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu khí hợp pháp tại các lô dầu khí của Việt Nam như lô dầu 06/1 - một liên doanh giữa Ấn Độ, Nga và Việt Nam trong 17 năm năm qua, nhà báo Rudroneel Ghoshviết: "Thông điệp của Bắc Kinh dường như là không ai được phép hoạt động thương mại ở Biển Đông mà không có sự tham gia của Trung Quốc, ngay cả khi dự án nói trên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của một quốc gia trong khu vực. Đây chẳng khác nào là chiến thuật bắt nạt. Chẳng nhẽ, Bắc Kinh nghĩ rằng họ có thể từ từ leo lên và khẳng định mình ở Biển Đông mà không cần phải gây ra một cuộc xung đột?".
Giải pháp ngăn ngừa của ASEAN
Cảnh báo về những nguy cơ lớn hơn từ các hành động đơn phương, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, nhà báo Rudroneel Ghosh còn nhìn nhận rằng, cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và các nước ASEAN ở Vịnh Thái Lan và Biển Đông trong những ngày đầu tháng 9 cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Và khi Trung Quốc vi phạm tất cả những điều như tự kiềm chế, phi quân sự hóa và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hóa một số thực thể và từ chối phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 vốn phủ nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông thì đó là một động thái "làm càn, thể hiện sự hung hăng ở Biển Đông" và "mọi chuyện sớm hay muộn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều".
Đồng quan điểm này, TS Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Hạ viện Ấn Độ đã lên án Trung Quốc đang tìm cách hăm dọa các nước nhỏ hơn, buộc họ phải từ bỏ các quyền hợp pháp của mình. "Đó là hành động không thể chấp nhận đối với bất cứ quốc gia thượng tôn pháp luật nào và Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cần tránh các hành động gây bất ổn trong khu vực và cần thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông", TS Rajaram Panda viết. Theo TS Rajaram Panda, trong vụ việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc, Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình vì điều đó hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Công ước quốc tế Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam cũng có quyền tìm kiếm sự hợp tác của bất cứ một quốc gia bạn bè nào trong quá trình yêu cầu tàu của quốc gia vi phạm rời đi. Cho rằng không một quốc gia đơn lẻ nào có khả năng tự mình bảo vệ an ninh và trật tự hàng hải ở Biển Đông, TS Rajaram Panda chỉ rõ, những quốc gia có chung quan điểm cần hợp tác với nhau để bảo vệ các lợi ích chung toàn cầu, trong đó đối với vấn đề Biển Đông, vai trò trung tâm của ASEAN hết sức quan trọng ASEAN cần đoàn kết ngăn hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng nói về việc tôn trọng luật pháp ở Biển Đông, nhà báo người Indonesia Veeramalla Anjaiah đã có một bài xã luận trên trang mạng Eurasia Review với nhan đề “Tôn trọng luật pháp: Hòa bình là ưu tiên hàng đầu tại Biển Đông”.
Trong bài viết của mình, nhà báo Veeramalla Anjaiah vạch trần tính phi pháp trong các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam và kêu gọi quốc tế tiếp tục lên án, gia tăng sức ép buộc Trung Quốc rút tàu của mình ra khỏi vùng biển các nước trong khu vực. Theo nhà báo Veeramalla Anjaiah, các quốc gia ASEAN cần đoàn kết để ngăn chặn các hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Mấu chốt của vấn đề là các nước ASEAN cần phải đoàn kết, chung tay xây dựng hoà bình trên biển Đông và yêu cầu các nước tuân thủ luật pháp đã có; ngay lập tức hoàn thành COC để ràng buộc về pháp lý với Trung Quốc. Thứ hai, cộng đồng quốc tế và các nước lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ cần gia tăng áp lực lên Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt các hành vi phi pháp trên Biển Đông”, nhà báo Veeramalla Anjaiah nhấn mạnh.
Khẳng định về vai trò của ASEAN, Lucio Blanco Pitlo III, nhà nghiên cứu tại Quỹ Con đường Phát triển châu Á-Thái Bình Dương và Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học Philippines, giảng viên chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ateneo de Manila, biên tập viên Tạp chí Chính trị & Chính sách châu Á và thành viên Hội đồng Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc Philippines cũng đã có bài viết trên trang China – US Focus và phân tích: "Việc tái diễn các hoạt động trái pháp luật như vậy của Bắc Kinh cũng có thể làm tê liệt tiến trình đàm phán hiện nay giữa Bắc Kinh và ASEAN về COC.
Tiến trình đàm phán COC vốn đã đạt được tiến bộ rõ rệt khi các bên đã hoàn tất phiên họp giới thiệu văn bản thương lượng dự thảo thảo duy nhất hồi tháng 8. Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng sự thay đổi tinh tế trong ngôn từ được lựa chọn kỹ lưỡng của tuyên bố chung ASEAN cho thấy mối bất bình ngày càng gia tăng (của ASEAN) về Biển Đông.
Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tại Bangkok vừa qua đã coi vấn đề Biển Đông là vấn đề ưu tiên trong khu vực. Không chỉ dừng lại ở việc bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất đá trong khu vực, tuyên bố chung còn bày tỏ thêm quan ngại về “những sự cố nghiêm trọng trong khu vực”.
Cần lưu ý rằng cụm từ này chưa từng xuất hiện trong các tuyên bố chung trước đây của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Hiện Bắc Kinh đang nỗ lực cản trở hoạt động khai thác dầu khí của các nước láng giềng. Tuy nhiên, những lợi ích đạt được từ chiến thuật này chỉ là thoáng qua và “kẻ tuyên bố chủ quyền lớn nhất ở Biển Đông” này có thể sớm hứng chịu những hệ quả kiểu “gậy ông đập lưng ông”.
Trung Quốc không muốn các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông coi sự can thiệp của Bắc Kinh và việc gây sức ép đối với các công ty năng lượng nước ngoài là sự sỉ nhục đối với chủ quyền của họ trong việc lựa chọn “bắt tay” với ai trong khai thác tài nguyên biển. Điều này sẽ chỉ trao cho ASEAN và các cường quốc khác lý do chung để bác bỏ đề nghị khai thác chung của Trung Quốc. Điều này cũng có thể làm giảm đà tiến triển tích cực vốn khó đạt được trong các cuộc thương lượng COC".