GMS tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Đây là nhận xét được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong khuôn khổ phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) diễn ra ngày 31-3 tại Hà Nội.
- Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới cho khu vực GMS
- Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác để tận dụng các cơ hội hiện có
- Việt Nam – thành viên tích cực của Chương trình Hợp tác kinh tế GMS
Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 có sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Hội nghị cũng có sự tham dự của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổng thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) cùng đại diện gần 100 tổ chức quốc tế và đối tác phát triển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù từng là khu vực của những quốc gia nghèo khó, chậm phát triển và biệt lập trong thế kỷ trước song đến nay GMS đã vươn lên và tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa, tích cực hội nhập, và có các thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6). |
"Thành công của GMS minh chứng cho khát vọng và quyết tâm xây dựng khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững vì người dân", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sự nỗ lực quý báu, hiệu quả của ngân hàng ADB, WB và các đối tác phát triển đã dành cho khu vực Mekong nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong 25 năm qua, Việt Nam luôn coi trọng và tích cực tham gia hợp tác GMS, nỗ lực thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường, tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng đồng thời đánh giá cao việc xây dựng Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 – 2022 cùng với Khung đầu tư khu vực 2022 RIF-22 và đề nghị khởi động việc xây dựng Tầm nhìn Hợp tác GMS đến 2030.
Để phát huy hơn nữa nội dung hợp tác giữa các quốc gia thành viên GMS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các nước cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh kết nối khu vực, song song với thúc đấy “kết nối tương hỗ” về thương mại đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhất là xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cung lợi ích.
Lãnh đạo 6 nước thành viên GMS và Chủ tịch ADB, Giám đốc điều hành WB và Tổng thư ký ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị GMS cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên.
Trong sáng 31-3, các nhà lãnh đạo 6 nước tiểu vùng Mekong mở rộng sẽ tiến hành phiên họp toàn thể Hội nghị nhằm rà soát kết quả hợp tác đã đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 5, thông qua các văn kiện chính của đợt hội nghị lần này, đó là Tuyên bố chung, Kế hoạch hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022, khung Đầu tư khu vực tới năm 2022 và các chiến lược hợp tác ngành của GMS.
Trước đó vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đón các trưởng đoàn dự Hội nghị. Sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn dự phiên họp kín Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6.