Dự án đầu tư sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, lãng phí

Thứ Năm, 20/04/2017, 09:17
“Tổng cộng tất cả các dự án BOT phải giảm hơn 100 năm thu phí, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải thông tin tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 19-4.

Phiên họp thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016. Theo báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Đức Hải trình bày, công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Năm 2016, thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị xử lý tài chính 16.742,5 tỷ đồng; hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát 753.307 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, bằng 90% dự toán năm, đã phát hiện 28.800 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định…

“Nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, in ấn kỷ niệm chương gây lãng phí và tốn kém trong thời gian qua. Như tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng đề mua quà tặng dịp thành lập tỉnh; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống…” – ông Hải nêu.    

Công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều sai phạm trong thời gian qua đã được KTNN chỉ ra, 11/27 dự án còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng, một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%.

Nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí, KTNN kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng. Đặc biệt, việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình... (Trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, Trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, Trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình...).

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cũng nhận định, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập, một số dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

“Qua dư luận và ý kiến của cử tri vẫn còn có một số dự án sử dụng kinh phí NSNN lãng phí, hiệu quả kém như: Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi công xây dựng từ năm 2005 với tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng đến nay vẫn chưa hoàn thành; Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công từ 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt 18.408 tỷ, tuy nhiên, qua nhiều lần điều chỉnh đến nay tổng mức đầu tư đội lên thành 36.000 tỷ đồng và chưa ấn định được thời gian hoàn thiện dự án”, ông nói.

Thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phần báo cáo chung có tiến bộ nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế và khá phổ biến trong cơ quan Nhà nước và ngoài xã hội. Mười nhiệm vụ, giải pháp tiết kiệm cơ bản đủ nhưng cần chú ý tính khả thi. “Nói tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng có xử lý dứt điểm trong năm nay được hay không? Vì hiện còn nhiều lắm, nợ thuế còn thiếu tiền hoàn thì tính khả thi của từng nhiệm vụ thế nào? Chúng ta có quản lý được các địa phương, bộ, ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm, Festival? Có nơi dùng NSNN, có nơi huy động doanh nghiệp, xã hội hóa nhưng đều là lãng phí nguồn lực đất nước, của quốc gia, xã hội…”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Chính phủ đã đề ra giải pháp thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nhưng chưa nhấn mạnh đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ nhân dân như thế nào để không làm mất thời gian, tiền của của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là trong việc thực hiện thủ tục về giấy tờ, hành chính. “Riêng việc người dân đi làm thủ tục giấy tờ đã tốn kém thời gian và tiền bạc, cho nên cần phải nhấn mạnh thêm” – Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Trước đó, sáng 19-4, UBTVQH đã thảo luận, tán thành sự cần thiết của Đề án và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Chính phủ đề nghị thành lập: 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn gồm phường Quảng Cư, phường Quảng Châu, phường Quảng Thọ, phường Quảng Vinh (trên cơ sở diện tích tự nhiên và người của các xã Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh) và TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa (trên cơ sở toàn bộ 44,94km2 diện tích tự nhiên và 150.902 người) gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn (sau khi thành lập 4 phường nói trên).

UBTVQH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và chính quyền tỉnh Thanh Hoá sớm triển khai đề án, trong đó lưu ý việc triển khai thành lập bộ máy chính quyền đô thị bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội...; quan tâm đến đời sống và nguyện vọng của người dân, địa phương; chăm lo chuyển đổi nghề nghiệp, kịp thời giải quyết những khiếu nại tố cáo của công dân đảm bảo đúng quy định pháp luật…

Cũng trong phiên họp buổi sáng, UBTVQH đã biểu quyết thông qua quyết định cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Quỳnh Vinh
.
.
.