Chưa có đánh giá khoa học về lợi ích và sức trả của người dân khi đầu tư dự án BOT

Thứ Hai, 20/03/2017, 09:14
Chưa có đánh giá khoa học về lợi ích của người dân, người tham gia giao thông khi thực hiện các dự án; chưa cân nhắc đến khả năng chi trả của người dân... cùng với nhiều sơ hở trong cơ chế chính sách là những điểm đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhắc tới sau khi kiểm toán 27 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT thời gian vừa qua.

Qua kiểm toán, 11/27 dự án xác định tổng mức đầu tư còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý 465,6 tỷ đồng do tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp; áp dụng lương nhân công không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng.

Chất lượng công tác thiết kế cơ sở chưa tốt, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung dự án dẫn đến điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư rất lớn, như dự án cải tạo nâng cấp QL 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long tăng hơn 200%, từ 1.318 tỷ đồng lên 2.838 tỷ đồng; dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng tăng gấp đôi từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng. Việc quản lý chi phí đầu tư thực hiện các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá và sai khác.

Chính sách liên quan đến các dự án BOT còn rất nhiều sơ hở.

Kiểm toán 27 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.300 tỷ đồng trên giá trị được kiểm toán hơn 60.000 tỷ đồng. Tiêu biểu là cao tốc Hà Nội – Hải Phòng giảm chi phí đầu tư 325 tỷ đồng, cầu Cổ Chiên giảm 174 tỷ đồng, QL 1 Bình Thuận hơn 99 tỷ đồng.

Việc xác định tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư chưa có văn bản cụ thể, nên giảm tính minh bạch trong quá trình thực hiện. Chất lượng các dự án cũng còn nhiều vấn đề. Công tác nghiệm thu, giám sát, quản lý chất lượng thi công một số dự án còn chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, bong bật ổ gà như dự án mở rộng QL 1 đoạn qua Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Nam, đoạn Phan Thiết – Đồng Nai...

Các sai phạm về con số có thể được tìm thấy trong một số báo cáo kiểm toán hoặc thanh tra các cự án BOT lẻ đã được công bố thời gian gần đây. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những kiến nghị tổng quát hơn về cơ chế, chính sách với các dự án đầu tư theo hình thức này được đề cập đến.

Theo đó, KTNN chỉ ra bất cập trong rất nhiều khâu, như quy định về nguồn vốn chủ sở hữu hiện hành chỉ dùng để đánh giá nhà đầu tư có đủ điều kiện để tham gia thực hiện dự án hay không, chứ chưa có quy định cụ thể xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án. Thực tế cho thấy rất nhiều dự án tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu không đúng với cam kết, chủ yếu do vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tập trung vào các tài sản như nhà xưởng, trụ sở, bất động sản... do vậy, khi thực hiện nhà đầu tư rất khó để huy động vốn...

Mức lãi suất vay các quy định hiện hành không quy định trần lãi suất vốn vay, do đó rất khó quản lý, kiểm tra và kiểm soát. Lợi nhuận của nhà đầu tư, quy định tại Thông tư 55, được xác định qua 2 trường hợp là đấu thầu và chỉ định thầu. Tuy nhiên, cả 2 trường hợp đều rất khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát.

Cụ thể, “đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư”, chứ không quy định trần lợi nhuận, nên rất khó quản lý, kiểm tra và kiểm soát. “Đối với trường hợp chỉ định thầu thì dự trên thương thảo, đàm phán dự trên mặt bằng lợi nhuận khu vực dự án, tham khảo các dự án khác”, như vậy rất khó để so sánh, xác định mặt bằng lợi nhuận khu vực dự án để có thể kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư. KTNN khuyến nghị cần ban hành cách xác định lợi nhuận của nhà đầu tư.

Chi phí quản lý của nhà đầu tư: Hiện tại, chi phí quản lý này chưa có quy định cụ thể. Qua kiểm tra nhận thấy giữa các dự án có sự chênh lệch lớn, nơi 4,3%, nơi 7%, nơi lên đến 10%... Hợp đồng dự án là tài liệu rất quan trọng và là khung pháp lý trong thực hiện dự án, tuy nhiên hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể nội dung hợp đồng dự án (và cũng chưa hợp đồng dự án nào được công khai, dù người dân là người bỏ tiền ra trả phí).

Về quản lý doanh thu thu phí, hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện báo cáo doanh thu thu phí và quản lý của cơ quan nhà nước đối với hoạt động này để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch. Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ xây dựng biện pháp quản lý, kiểm soát, giám sát chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, đề án thu phí không dừng; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thiện các đề án này.

Đáng chú ý hơn cả, sau việc trốn trạm thu phí của các tài xế, sự bức xúc của người dân nhiều địa phương khiến lãnh đạo địa phương phải lên tiếng, KTNN cũng cho rằng còn thiếu những đánh giá một cách chi tiết, cụ thể và khoa học về lợi ích của người dân, người tham gia giao thông.

Theo cơ quan này, cần đánh giá hiệu quả của các bên đạt được trong việc cân đối với sức trả của người dân và việc lôi cuốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án (hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia). Nhà nước cần khắc phục ngay các hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách, các tồn tại trong công tác quản lý dự án, vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý, mức thu phí còn cao, chưa minh bạch trong kiểm soát số liệu đầu vào và doanh thu thu phí... để tăng hiệu quả về mặt xã hội của các dự án BOT.

Vũ Hân
.
.
.