Đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội
- TP Hà Nội triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị
- Tiếp tục nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị, bỏ HĐND cấp xã, phường
- Chính quyền đô thị TP HCM: Những chính sách đặc thù đầu tiên được thông qua
Ngày 22-1, chủ trì buổi làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Ai làm hiệu quả hơn, bảo đảm công việc chạy nhanh hơn, tốt hơn mà vẫn làm tốt nhiệm vụ quản lý thì giao cho người đó làm. Cái gì Hà Nội làm tốt hơn thì nên phân cấp cho Hà Nội làm”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao các bộ, ngành khẩn trương xem xét từng việc trên nguyên tắc việc gì ai làm tốt hơn thì giao cho người đó, phải bỏ ngay quan điểm “quyền anh, quyền tôi”.
Theo Thủ tướng, bên cạnh những thành công, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội còn nhiều bất cập, kể cả lập quy hoạch và phát triển đô thị, nhất là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Vấn đề ô nhiễm, ùn tắc giao thông, cháy nổ, quản lý dân cư, trật tự xã hội còn nhiều bức xúc.
Mô hình quản lý hiện hành, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, cơ chế điều hành còn nhiều bất hợp lý, thiếu linh hoạt, thiếu tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một Thủ đô có quy mô lớn. Việc phân cấp giữa Trung ương và TP còn bất cập.
Một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn, chưa tạo được sự chủ động cho Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu phát triển và hội nhập của một Thủ đô hiện đại, văn minh.
Theo Thủ tướng, các hạn chế đó càng bộc lộ rõ hơn khi xu hướng đô thị hóa, hay việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời với việc đó, các thách thức trong hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường, an ninh trật tự đòi hỏi mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc Hà Nội chủ động đề xuất thực hiện thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thực sự cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, giúp Thành phố phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu của nhân dân Thủ đô và cả nước, xứng đáng với tên gọi xưa Thăng Long - Rồng bay và danh hiệu Thủ đô anh hùng, TP vì hòa bình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Hà Nội đã chủ động, khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”. Việc tổ chức hội nghị báo cáo, xin ý kiến Chính phủ là một trong những bước đi quan trọng, giúp Hà Nội có những ý kiến chỉ đạo, góp ý hoàn thiện nội dung Đề án trước khi chính thức trình, báo cáo Bộ Chính trị.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, bao gồm các cơ chế, chính sách phân cấp cho TP.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trình bày Tờ trình Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đề án thiết kế, xây dựng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong khu vực các quận tinh gọn và quản lý phù hợp, bảo đảm việc quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao, giảm bớt các tầng nấc trung gian.
Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, việc Hà Nội chủ động đề xuất thực hiện thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị thực sự cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, giúp TP phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu của nhân dân Thủ đô và cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, bài bản và khoa học, nhất là “số lượng tài liệu chuẩn bị rất lớn”.