Đề xuất Bộ Công an là lực lượng chủ trì nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới

Thứ Hai, 10/08/2020, 19:44
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng quy định "Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong đó có bội đội Biên phòng, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới"

Chiều 10/8, tiếp tục Phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. 

Theo dự thảo Luật, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các ngành hữu quan, chính quyền địa phương nơi có biên giới để duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo về một số nội dung còn ý kiến khác nhau

Phát biểu thảo luận về dự án Luật, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng quy định "Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong đó có bội đội Biên phòng, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới".

Thứ trưởng Bùi Văn Nam dẫn quy định của Hiến pháp và một số văn bản, nêu rõ công an là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm... đồng thời cho biết, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới không chỉ quản lý đường an ninh biên giới, cột mốc.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam phát biểu tại phiên họp

Vấn đề chính là bảo vệ nội bộ, bảo vệ an ninh văn hoá, tư tưởng, an ninh thông tin, đấu tranh chống gián điệp, phản động, quản lý xuất nhập cảnh, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế, ma tuý, môi trường, tội phạm xuyên biên giới quốc gia. Các nhiệm vụ trên được quy định trong hệ thống pháp luật về an ninh trật tự, như Luật về an ninh quốc gia, Luật về công an nhân dân, Luật về xuất nhập cảnh, quá cảnh...

"Để lực lượng Công an phối hợp (không phải chủ trì), sau này khi xảy ra những sự việc liên quan đến an ninh trật tự, cơ quan nào phát hiện trước thì xử lý trước, dẫn đến quản lý nhà nước sẽ rất khó" – Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết và nhấn mạnh nếu không khắc phục được chồng chéo hiện nay, việc bảo đảm an ninh khu vực biện giới sẽ còn sơ hở.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Trong từng nhiệm vụ cụ thể do lực lượng nào chủ trì, tôi đề nghị các bộ ngồi lại với nhau để chỉnh lý cho phù hợp hơn. Ví dụ phòng chống dịch xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu thì Bộ Y tế chủ trì, còn các lực lượng khác phối hợp. Chỗ này phải xuất phát từ chức năng, quyền hạn quản lý nhà nước của từng bộ, ngành để phân định cho hợp lý" – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Biên phòng đúng với tính chất, vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, thực thi nhiệm vụ biên phòng, duy trì an ninh trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đối với công tác phối hợp giữa lực lượng biên phòng với lực lượng Công an trên biên giới, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các khái niệm, định nghĩa về biên phòng, các quy định về nhiệm vụ và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, chế độ chính sách, vai trò nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác biên phòng, thể chế hóa đầy đủ vị trí, vai trò của biên phòng, công tác bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia. 

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2020.


P. Thuỷ
.
.
.