Cơ bản tán thành với các trường hợp được nổ súng trong dự thảo luật

Thứ Sáu, 16/09/2016, 17:47
Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản nhất trí với việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên cơ sở Pháp lệnh hiện hành.


Tiếp tục ngày làm việc thứ 5 Phiên họp thứ 3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều nay, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam đọc tờ trình

Theo tờ trình, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Tham gia góp ý vào dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng luật có 2 mảng là quản lý và sử dụng nhưng dự thảo luật mới chỉ thiên về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chứ chưa có đánh giá về việc sử dụng. 

“Đề nghị ban soạn thảo cho biết, có hay không việc lạm dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của người dân? Nhất là các trường hợp được nổ súng thời gian qua có vấn đề gì không?”, bà Nga hỏi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Bà cũng nêu ra những bất cập trong quy định nổ súng: “Có những trường hợp lẽ ra cần phải nổ súng thì anh em làm nhiệm vụ không sử dụng vì những quy định trường hợp được nổ súng không rõ, dẫn đến rủi ro pháp lý nên họ không làm. Giới hạn trong việc thế nào là cần thiết, tương xứng trong phòng vệ chính đáng rất mong manh. Sự việc xảy ra trong tích tắc rất nhanh, chủ thể khó có thể cân đo đong đếm được. Bên cạnh đó có những trường hợp lạm dụng, chưa cần thiết đã dùng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người dân”. 

Đại biểu đề nghị phải đánh giá, tổng kết lại vấn đề sử dụng súng thời gian qua, đồng thời rà soát xem luật này có mâu thuẫn, xung đột gì với các luật liên quan hay không.

Giải trình tại phiên thảo luận, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nguyễn Công Sơn cho biết, đây là dự án Luật quan trọng đối với an ninh quốc gia, quyền tự do công dân, các tổ chức, ảnh hưởng tơi trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của người dân. 

Lịch sử đất nước triền miên trải qua các cuộc chiến tranh nên vũ khí vật liệu nổ còn tồn đọng nhiều trong xã hội, do vậy Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành quyết định nâng Pháp lệnh thành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để quản lý, sử dụng tốt hơn, phù hợp với tình hình mới. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chủ trì phiên thảo luận chiều nay

Về việc sử dụng vũ khí sai mục đích, Trung tướng Nguyễn Công Sơn khẳng định có nhưng không nhiều. "Xuất phát từ việc quy định chưa rõ nên trong nhiều trường hợp anh em thi hành công vụ khi thì quá mạnh tay, khi thì bó tay, đáng lẽ phải nổ súng thì không nổ súng, đáng lẽ không phải nổ súng thì lại nổ súng, do nhận thức và tình thế vụ việc diễn biến hết sức cấp bách, mau lẹ". 

Theo đồng chí Phó Tổng cục trưởng, để hạn chế điều này, Bộ Công an có quy trình, quy định tập huấn cho cán bộ chiến sỹ về chức năng kỹ thuật, nguyên tắc sử dụng súng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đặc biệt quan tâm, chú ý những đồng chí có biểu hiện tâm tư tình cảm để phân công nhiệm vụ…

Qua thảo luận, UBTVQH cơ bản nhất trí với việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên cơ sở Pháp lệnh hiện hành. 

“Các ý kiến cơ bản tán thành với các trường hợp được nổ súng trong dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị cần rà soát hơn nữa để chặt chẽ, tránh bị lạm dụng nhưng cũng tạo điều kiện cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận. 

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên UBTVQH, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo luật; Uỷ ban Quốc phòng và An ninh phối hợp ban soạn thảo thẩm tra chính thức dự án luật, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

Qua vụ thảm án Lào Cai thấy bất cập trong quy định sử dụng súng kíp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm quy định cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc là bất hợp lý, sẽ tạo ra kẽ hở khó kiểm soát. 

“Đồng bào Mông nam thanh niên từ khi trưởng thành đã tự chế súng kíp rồi, họ rất giỏi về vấn đề này, nếu quy định như thế thì họ sẽ lợi dụng kẽ hở, bí mật sản xuất, mỗi gia đình có 1 khẩu thì rất khó kiểm soát. Như vụ Lào Cai vừa rồi chúng ta thấy vẫn có 1 khẩu súng kíp bẫy sẵn”. Ông đề nghị nên cân nhắc, bỏ nội dung này.


Quỳnh Vinh
.
.
.