Đề nghị thông qua Luật Đất đai theo quy trình 3 kỳ họp

Thứ Tư, 21/07/2021, 17:39
Không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định. Không lạm dụng hình thức văn bản nghị quyết để sửa luật.


Chiều 21/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội

Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021): thông qua 1 dự thảo Nghị quyết. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021): thông qua 1 dự án luật theo quy trình tại 1 kỳ họp; cho ý kiến 5 dự án luật khác.

Về dự kiến Chương trình năm 2022, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện các cam kết quốc tế; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tại Phiên họp

Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan; không giao quá 3 dự án cho một cơ quan chủ trì hoặc cơ quan thẩm tra trong 1 kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, cần chú trọng tính gối đầu của Chương trình để sắp xếp số lượng luật cho phù hợp.

Ngoài ra, không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định. Không lạm dụng hình thức văn bản nghị quyết để sửa luật.

Đề nghị thông qua Luật Đất đai theo quy trình 3 kỳ họp

Riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án Luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp. 

Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé

Cho ý kiến cụ thể về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), chỉ ra rằng, dự án Luật này cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đại biểu nêu rõ, đây là một dự án Luật đang được cử tri và nhân dân quan tâm, sự thận trọng trong việc thông qua 3 kỳ họp là có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề. Trên thực tế việc quản lý và sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa được quản lý tốt, vẫn còn tiêu cực xảy ra. Do đó, đề nghị thông qua Luật này theo quy trình 3 kỳ họp là hợp lý.

Đồng ý kiến với đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang), bày tỏ sự tán thành cao việc đưa dự án Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. 

Đây là dự án Luật quan trọng, cần nghiên cứu thận trọng, lỹ lưỡng. Vì vậy, thống nhất xem xét thông qua tại ba kỳ họp. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, việc thông qua một dự án luật trong 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp thì phụ thuộc nhiều vào chất lượng chuẩn bị hồ sơ Dự án luật. Do đó, nếu khả năng chuẩn bị Dự án luật tốt, khẩn trương thì có thể đẩy nhanh hơn tiến trình thông qua luật, đảm bảo luật có hiệu quả đưa và đưa vào thực tiễn một cách sớm nhất.

Thu Thuỷ
.
.
.