Đấu tranh hiệu quả với tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại
- Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia triển khai nhiệm vụ năm 2020
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN công bố dự thảo kết luận tại Lâm Đồng
Ngày 23/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì phần thảo luận.
Dự Hội nghị có đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương…
Tội phạm giảm nhưng còn diễn biến phức tạp
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 23.465 vụ phạm pháp hình sự (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2019). Hoạt động của tội phạm nổi lên là: Tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là “bảo kê”, “tín dụng đen”, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng...
Tội phạm giết người tuy giảm song xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, mất nhân tính, trong đó có 6 vụ đốt nhà để giết người làm chết 19 người. Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 21,76% so với cùng kỳ 2019, nhiều vụ chống lại lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID -19.
Tội phạm mua bán người thủ đoạn nổi lên là tổ chức xuất cảnh trái phép dịp tết Nguyên đán, nhất là tuyến biên giới Việt – Trung để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ.
Các đối tượng lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biêu giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán sang Trung Quốc xảy ra nhiều. Một số vụ án, đối tượng chính là nạn nhân đã từng bị lừa bán.
Tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn ra phức tạp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai… với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có ý làm trái quy định nhà nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị |
Lợi dụng dịch COVID - 19, hoạt động đầu cơ, buôn lậu, làm giả các mặt hàng phòng chống dịch, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh; vi phạm trong thực hiện các gói thầu mua thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch gây bức xúc xã hội.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên là tình trạng trộm cắp, lừa đảo mua bán thông tin thẻ tín dụng, sử dụng phần mềm để trốn thuế, làm giả thẻ thanh toán dịch vụ hoặc mua hàng hóa. Các vụ lừa đảo, giả danh cơ quan chức năng trên mạng xã hội; dịch vụ viễn thông xảy thông xảy ra ở nhiều địa phương. Tình trạng đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô và số tiền rất lớn, xảy ra tại nhiều địa phương và có xu hướng gia tăng.
Đối với tội phạm về môi trường, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay, tình trạng khai thác, mua bán cát sỏi trái phép về vi phạm về quản lý, khai thác, bảo vệ rừng vẫn diễn ra phức tạp, có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay của một số cán bộ trong cơ quan chức năng ở cơ sở.
Kết quả, đã điều tra, khám phá gần 20.000 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 84,04%), bắt 45.004 đối tượng; triệt phá hơn 1.000 băng nhóm tội phạm các loại, nhất là đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến "tín dụng đen”.
Phát hiện, khởi tố điều tra 20 vụ, 26 đối tượng vi phạm các quy định liên quan phòng, chống dịch bệnh; gần 9.000 vụ việc vi phạm hành chính; tội phạm và vi phạm pháp luật chống người thi hành công vụ liên quan phòng, chống dịch bệnh xảy ra 13 vụ, khởi tố 11 vụ, 11 đối tượng.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại hội nghị |
Viện KSND các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 60.000 vụ, gần 91.000 bị can; cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố hơn 31.200 vụ, với gần 56.000 bị can.
Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 32.000 vụ với gần 59.000 bị cáo; đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 73,4% số vụ và 68,7% số bị cáo.
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng không gian mạng. Tình trạng chống người thi hành công vụ, trọng cắp, lừa đảo, tổ chức đánh bạc có xu hướng gia tăng…
Về công tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an sẽ mở cao điểm đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm bảo vệ Đại hội đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, dip 2/9 và dịp tết Nguyên đán. Đồng thời chỉ đạo triển khai có hiệu quả và tổ chức tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người toàn quốc, trọng tâm là trên tuyến biên giới Việt – Trung…
Lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng của Quân đội, Hải quan và các lực lượng khác triển khai kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng ô nhóm tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo CĐTS...
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quản lý cư trú; phối hợp TTKS tại các địa bàn trọng điểm, chủ động phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người, giữ gìn TTCC, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, kinh tế
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép”.
Về công tác phòng, chống tội phạm, đã chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân; ban hành nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành cùng tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 8,4% số vụ tội phạm xâm phạm trật tự an toàn, xã hội so với cùng kỳ năm 2019; điều tra khám phá nhiều chuyên án lớn , đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm “tín dụng đen, xã hội đen” nhiều vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao… như băng nhóm do Nguyễn Xuân Đường Đường Nhuệ) ở Thái Bình ; băng nhóm hoạt động tín dụng đen”, do đối tượng Loan “cá” - Tuấn “cá” cầm đầu ở Đồng Nai ...
Đặc biệt, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và các địa phương.
“Chúng ta đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công; đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân, đề cao tính thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phòng chống tham nhũng trong các cơ quan chuyên trách
Về thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. “Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật” – đồng chí Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công an làm tốt nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo 138/CP; phối hợp với các bộ, ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án.
Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, tội phạm vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, sản xuất, kinh doanh hàng giả... cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự cũng như không để lọt tội phạm, không làm bạn người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Tiếp tục rà roát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng mạnh chế tài xử lý để răn đe, phòng ngừa vi phạm hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác. Mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Quốc phòng; Bộ Công thương; UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cụ Thuế, Tổng cục Hải quan; Tổng cục Quản lý thị trường; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia...
Phòng ngừa hàng hoá giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, ngành Hải quan phát hiện, xử lý hơn 9.600 vụ vi phạm pháp luật Hải quan, khởi tố và đề nghị khởi tố 50 vụ; trong đó, nổi lên hoạt động của các đối tượng vi phạm về gian lận xuất xứ. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước, một số nước mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan và các hàng rào kỹ thuật theo các hiệp định song phương và đa phương. “Ví dụ như mặt hàng gỗ ván ép, xe đạp điện, xe máy điện năng lượng mặt trời..., với nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kẽ hở cơ chế chính sách...” - đồng chí Nguyễn Văn Cẩn cho biết. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Hải quan đã điều tra, xác minh, xác định một doanh nghiệp không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền cho phép cấp C/O nhưng tự ý cấp C/O không đúng cho 30 doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tổ chức xác minh, xử lý nghiêm minh. Đối với nhóm mặt hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam nhưng vẫn được cấp C/O, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thu hồi C/O được cấp không đúng quy định. Đối với hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng trên nhãn mác, bao bì ghi “Made in Vietnam”, lực lượng Hải quan đã tập trung đấu tranh, xử lý ngay tại cửa khẩu. |
Sử dụng công nghệ cao để bán hàng nhập lậu, hàng giả Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc bán tràn lan, đặc biệt là trên mạng xã hội. Những đối tượng này thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này. Chúng tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ để kinh doanh các mặt hàng vi phạm. Các đối tượng này cũng tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin. “Gần đây nhất là các vụ việc lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả…”, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nói và dẫn lại vụ việc xảy ra ngày 7/7 vừa qua, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát động mũi tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP Lào Cai. “Kho hàng này có quy mô trên 10.000m2 được dùng để chứa trữ hàng hóa và làm địa điểm tổ chức kinh doanh trên mạng do đối tượng Trần Thành Phú (28 tuổi) cầm đầu. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, các nước Châu Âu”, Tổng cục trưởng QLTT cho hay. |