Đà Nẵng và Hải Phòng sẽ có cơ chế đặc thù để phát triển

Thứ Sáu, 25/01/2019, 19:33
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị Khóa IX về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, điển hình cho một TP năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh; kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt khoảng 9,8%/năm, GRDP bình quân đầu người tăng 6,6 lần so với năm 2003.

Hạ tầng kinh tế, đô thị thay đổi nhanh chóng và tương đối hiện đại. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người được nâng lên; duy trì được vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng, tích cực...

Về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 phải xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là  trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, TP đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong cải cách và đổi mới, người dân có mức sống thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được đảm bảo vững chắc.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phải trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Tầm nhìn năm 2045, Đà Nẵng là TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP Đà nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên và cả nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, đảm bảo tính tương quan, tương đồng với các TP lớn khác trong cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm.

Cũng có bước phát triển mạnh mẽ tương tự, sau 15 năm, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung cả nước; quy mô kinh tế năm 2017 gấp 4,27 lần so với năm 2003; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2017 đạt 3.694 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước, tăng 5,43 lần so với năm 2003. Hải Phòng đã khẳng định là TP cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Trong mục tiêu tổng quát, Nghị quyết yêu cầu TP Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; xây dựng và phát triển Hải Phòng sớm trở thành TP công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; là trọng điểm dịch vụ logistics; trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các TP tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Đến năm 2030, Hải Phòng là TP công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại d

ương học, kinh tế biển. Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của TP thông minh.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng là TP có trình độ phát triển cao trong nhóm các TP hàng đầu châu Á và thế giới. Trong phần giải pháp, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho TP Hải Phòng, đặt trong mối tương quan hợp lý với các TP lớn khác trong cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, tài chính – ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…

Hà An
.
.
.