Hà Nội lại xin cơ chế đặc thù xây đường sắt đô thị

Thứ Tư, 11/04/2018, 08:52
UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, với số vốn 125.614 tỷ đồng. 

Với những dự án đường sắt đô thị liên tục được đề xuất và triển khai, có thể thấy Hà Nội đang dồn sức để phát triển mạng lưới giao thông này.

Trong nhóm 5 cơ chế đặc thù mà UBND TP Hà Nội đánh giá là những điều kiện cần và đủ để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; tuyến đường sắt đô thị số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai, có một cơ chế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, 4 cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. 

Ba dự án này ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025 với tổng mức đầu tư rơi vào khoảng 125.614 tỷ đồng. 

3 dự án đường đô thị của Hà Nội sẽ chờ Quốc hội quyết định chủ trương vào tháng 6.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội chú trọng phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, đảm bảo thị phần đảm nhận của đường sắt đô thị đến năm 2020 là 10-15%, đến năm 2030 là 25-30% và sau năm 2030 là 35-40%, giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Do vậy, việc sớm triển khai đầu tư xây dựng để đưa vào sử dụng trước năm 2025 đối với các đường sắt đô thị gồm tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình, tuyến số 5 Văn Cao-Hòa Lạc-Ba Vì và tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai là đặc biệt cần thiết”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình) toàn tuyến đi ngầm, chiều dài là 5,96km; có 6 ga ngầm; tốc độ thiết kế 80km/giờ. 

Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư dự kiến nếu đầu tư bằng ngân sách là 25.730 tỷ đồng; nếu đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là 27.813 tỷ đồng (dự kiến cộng thêm chi phí lãi vay khoảng 2.083 tỷ đồng trong thời gian chưa bàn giao đất đối ứng nếu có). 

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến 2024 đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2025. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 (đoạn Văn Cao-Hòa Lạc) đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất. Chiều dài toàn tuyến 38,4km (trong đó 8km đi ngầm, 2km đi cao, 28,4km đi bằng); có 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất và 1 ga trên cao). 

Đầu tư bằng ngân sách khoảng 61.228 tỷ đồng, nếu đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là 66.865 tỷ đồng (cộng thêm chi phí lãi vay khoảng 5.637 tỷ đồng trong thời gian chưa bàn giao đất đối ứng nếu có). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến 2024, đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2025. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Vingroup. 

Riêng Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai) sẽ do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án này lên tới 38.656,7 tỷ đồng; dự án có tiến độ đầu tư thực hiện từ năm 2018 đến 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2026.

Về nguồn vốn thực hiện, Hà Nội đưa ra 6 phương án huy động. UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ giữ ổn định cơ cấu ngân sách như năm 2017, ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách TP (phần Hà Nội được hưởng là 35% trong giai đoạn 2021 - 2025) và cho phép điều tiết toàn bộ các khoản tiết kiệm từ chi thường xuyên để chỉ đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất, các khoản vượt thu, tiết kiệm chi được trích 100% vào quỹ dự trữ tài chính của TP để phát triển hệ thống đường sắt đô thị. 

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép bán đấu giá tài sản công là nhà và đất, gồm nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung tại 2 khu hành chính (Võ Chí Công, Vân Hồ); đấu giá quyền sử dụng đất để dồn vốn cho các dự án đường sắt đô thị. 

Trong trường hợp các nguồn tài chính nói trên không đủ đáp ứng nhu cầu, Hà Nội đề nghị phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô theo hạn mức mà Chính phủ đã cho phép Hà Nội với trần huy động được nới từ 70% (trên số thu ngân sách TP được hưởng) lên 90%. 

Do 3 dự án đường sắt đô thị đều có quy mô vốn lớn, nên UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Hội đồng Thẩm định Nhà nước ưu tiên tổ chức thẩm định sớm để có thể báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 6.

Ngọc Yến
.
.
.