Đại biểu Quốc hội "truy" số dự án đầu tư thua lỗ, được kiến nghị điều tra, truy tố
“Tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào các báo cáo việc thanh tra, xử lý sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được phục hồi, số kinh phí được thu hồi, bao nhiêu dự án đã phá sản, mức độ xử lý nghiêm các sai phạm của tổ chức, cá nhân” – ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nói.
- Qua kiểm toán, bình quân mỗi dự án thất thoát hơn 2% tổng mức đầu tư
- Tiếp tục giải trình hướng giải quyết 12 dự án kém hiệu quả
- Còn nhiều dự án thất thoát, thua lỗ lớn
Sáng nay, 29-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đồng thời đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai |
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhắc tới 2 bất cập, thách thức trong thực hiện đầu tư công. Trước tiên là đầu tư công vẫn dàn trải và đã trở nên quen thuộc. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án, nhưng hiện ở các địa phương lượng dự án dở dang rất lớn.
Theo bà, nhiều quốc gia tập trung đầu tư công vào các dự án có tính lan toả, còn Việt Nam thì ngược lại. “Hiếm có quốc gia nào phân bổ đầu tư công như Việt Nam, đó là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Mong muốn của các địa phương là chính đáng, cần thiết, nhưng nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương được đầu tư” – nữ đại biểu nói.
Bất cập thứ hai là hiện chưa có đánh giá nào về hiệu quả đầu ra dự án dù đến hết năm 2018 đã có 6.290 dự án hoàn thành. “Gần như chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả của số dự án này”, bà đề xuất cần sớm hoàn thành tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra của dự án, ngay khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra gắn với nguồn lực đầu tư...
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương |
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, điều đáng quan tâm là báo cáo chưa nêu được cụ thể thời gian qua có bao nhiêu dự án có hiệu quả, bao nhiêu dự án đầu tư thua lỗ, bao nhiêu dự án cần được kiến nghị xem xét điều tra, truy tố; cũng như nguyên nhân, giải pháp xử lý; tỉnh nào, doanh nghiệp nào tốt và doanh nghiệp nào chưa tốt…
“Có như thế mới xác định được trách nhiệm cá nhân và xử lý nghiêm, cũng như ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí vốn trong thời gian qua” – ông nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, theo đánh giá của Bộ Tài chính thì Việt Nam thuộc nước nợ công cao. Đầu nhiệm kỳ, các Bộ đã có giải pháp tích cực nhưng “nợ công vẫn nguy hiểm”, đầu tư công không hiệu quả. Đến giờ, con số không phải chỉ dừng ở 12 dự án nữa mà đã lên tới 72 dự án, với nhiều dự án dang dở, gây lãng phí lớn.
“Tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào các báo cáo việc thanh tra, xử lý sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được phục hồi, số kinh phí được thu hồi, bao nhiêu dự án đã phá sản, mức độ xử lý nghiêm các sai phạm của tổ chức, cá nhân. Từ đó đưa ra những cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm các giải pháp cho thời gian tới”, ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tổng thể, rà soát, khắc phục những văn bản pháp luật còn bất cập, bất hợp lý, chồng chéo. Đặc biệt trong bối cảnh “lò đang nóng”, các vị phạm bị xử lý nghiêm thì các văn bản chồng chéo càng cần được sửa đổi ngay, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo nguồn thu cho quốc gia và các doanh nghiệp…