Công bố kết quả nghiên cứu điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi

Thứ Sáu, 30/08/2019, 18:27
Ngày 30-8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phối hợp tổ chức Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu “Điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi”.


Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, Điều 1 Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi dựa trên cơ sở xác định mốc chuyển biến lớn từ giai đoạn tuổi thơ (childhood) sang người lớn (adulthood). 

Trong khi đó, Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”, 4 yếu tố chính, đóng vai trò là cơ sở thực tiễn cho việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam lên dưới 18 tuổi được chỉ ra gồm: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; yêu cầu từ hội nhập quốc tế của Việt Nam; yêu cầu từ việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục nhóm trẻ 16-17 tuổi; khả năng đáp ứng của Nhà nước khi điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi. 

 Theo niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, ở thời điểm năm 2018, có khoảng 2,7 triệu người ở lứa tuổi 16-17; trong đó, bao gồm hàng trăm nghìn em có hoàn cảnh đặc biệt, không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em (lứa tuổi dưới 16). 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, chi tiêu ngân sách dành cho trẻ em tăng khoảng 800 tỷ đồng/năm (thời điểm năm 2018), chủ yếu cho lĩnh vực trợ cấp xã hội (khoảng 97 tỷ đồng). Mức chi phí tăng thêm trên cho việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục khoảng 2,7 triệu người ở độ tuổi 16, 17 tương ứng 0,014% GDP và 0,06% tổng thu ngân sách Nhà nước.

 Mức chi thêm này sẽ không tạo ra áp lực lớn với ngân sách, hay với việc chi tiêu công của nước ta hiện nay. Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi sẽ mang lại lợi ích cho cả trẻ em, xã hội và Nhà nước, trong đó đặc biệt là lợi ích về phát triển con người và nguồn nhân lực. 

Thêm vào đó, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em cũng không đặt ra những yêu cầu sửa đổi lớn hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên ở nước ta. Vì vậy, có thể khẳng định, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi là phù hợp, cần thiết và sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện; đồng thời, nhóm nghiên cứu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên sớm tiến hành xem xét, sửa đổi quy định tại Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016...

LC
.
.
.